Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 04/11/2019 17:43 (GMT+7)

Tiền Giang: Đăng cai tổ chức hội nghị thần kinh quốc tế lần thứ nhất

Mới đây, tại Tiền Giang, Hội Thần kinh học Việt Nam, Sở Y tế, Hội Thần kinh học tỉnh Tiền Giang phối hợp và đăng cai tổ chức Hội nghị Thần kinh quốc tế lần thứ nhất và Hội nghị Thần kinh Việt Nam lần thứ 21.


Nguyễn Văn Khang – Chủ tịch Liên hiệp Hội Tiền Giang (thứ ba từ trái qua) tặng hoa cho các đơn vị tài trợ Hội nghị

Theo kế hoạch, Hội nghị được tổ chức trong 2 ngày (2 và 3-11) với nhiều chuyên đề chuyên sâu như: Động kinh ở trẻ em; điều trị đau đầu nguyên phát; bệnh thoái hóa thần kinh và các bệnh lý liên quan; các bệnh lý thần kinh – tâm thần thường gặp; bệnh đột quỵ, bệnh lý mạch máu não – sa sút trí tuê… do các chuyên gia nhiều kinh nghiệm về y học đến từ các quốc gia như: Hoa Kỳ, Đức, Úc, Anh, Pháp, Nhật Bản, Thái Lan, Singgapore, Ấn Độ… Liên đoàn chống động kinh thế giới, các viện, trường, bệnh viện, sơ sở y tế trong và ngoài nước trình bày.

Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Anh Nhị cho rằng, việc tổ chức Hội nghị Thần kinh quốc tế tại Tiền Giang nhằm mục đích trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về y học nói chung và chuyên ngành Thần kinh học nói riêng giữa Việt Nam và thế giới nhằm góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Hiện nay, các bệnh lý về thần kinh, bệnh lý mạch máu não nói chung và các bệnh lý cụ thể như: Đột quỵ, sa sút trí tuệ, đau đầu, chóng mặt, rối loạn vận động và các bệnh lý thần kinh khác đang có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, với những biến chứng phức tạp cũng như để lại những di chứng nặng nề cho người bênh, gây tốn kém cho việc chăm sóc và điều trị; đồng thời, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, sinh mạng và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Đột quỵ (kể cả nhồi máu cơ tim hay tai biến mạch máu não) là những bệnh lý cấp cứu nặng, rất thường gặp ở những người có tiền sử về tim mạch, đòi hỏi việc đánh giá và xử trí phải hết sức khẩn trương, khoa học, chính xác để giành lại sự sống. Điều này, yêu cầu rất cao về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, nhất là năng lực của thầy thuốc. Do đó, hiểu biết về bệnh lý tim mạch nói chung, bệnh lý mạch máu não nói riêng một cách đầy đủ và chi tiết là vô cùng quan trọng và thật sự cần thiết.. Nó đòi hỏi thầy thuốc phải thường xuyên cập nhật thông tin, nâng cao kiến thức cũng như thường xuyên thực hành, trau dồi kỹ năng lâm sàng, tích lũy kinh nghiệm để giúp cho việc chăm sóc, điều trị từng trường hợp cụ thể được hiệu quả hơn.

Tại hội nghị, lãnh đạo ngành Y tế Tiền Giang, Giáo sư Bruce Miller và Bác sĩ Jennifer Yokohama, Viện trưởng Y khoa California, San Francisco (Hoa kỳ) đã thảo luận và ký biên bản ghi nhớ về việc thành lập Trung tâm Thần kinh quốc tế tại Tiền Giang với nhiệm vụ chính là: Khám, chữa bệnh chuyên khoa Thần kinh chất lượng cao; nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế; đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao các kỹ thuật chuyên khoa thần kinh; tổ chức các hội thảo, hội nghị chuyên ngành thần kinh…

Đây được xem là định hướng phát triển đột phá của ngành Y tế trong thời gian tới; đồng thời, cũng là kỳ vọng của các cấp lãnh đạo và người dân Tiền Giang để hội nhập vào tiến bộ khoa học của thế giới, nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tác giả bài viết: Huỳnh Văn Xĩ

Xem Thêm

Tin mới