Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 03/12/2020 22:33 (GMT+7)

Phú Thọ: “Đánh giá chính sách về nước sạch, môi trường”

Ngày 2/12, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh tổ chức hội thảo Đánh giá tác động của các chính sách về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) đến tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011 - 2019; đề xuất giải pháp cho giai đoạn tiếp theo.

Đ/c Hoàng Văn Tuyển – Chủ tịch Liên hiệp hội Phú Thọ phát biểu khai mạc Hội thảo

Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo một số sở ngành: Nông nghiệp và PTNT, Tài nguyên và Môi trường, Y tế; lãnh đạo UBND các huyện, thị, thành, các xã phường, thị trấn; một số trí thức, nhà khoa học, các chuyên gia ở trung ương và trong tỉnh trong lĩnh vực xây dựng chính sách, thủy lợi, nước sạch, môi trường, nông thôn; Đại diện Lãnh đạo Chi cục bảo vệ môi trường, Chi cục thủy lợi; Đại diện một số doanh nghiệp cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh.

Đề tài “Đánh giá tác động của các chính sách về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đến tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011 - 2019; đề xuất giải pháp cho giai đoạn tiếp theo” được Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam giao cho Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Phú Thọ chủ trì thực hiện, thời gian thực hiện từ tháng 5 đến tháng 12/2020. Giai đoạn 2011 - 2019, các chính sách, chương trình về NS&VSMTNT đã được Trung ương và tỉnh, các ngành quan tâm, đầu tư và chỉ đạo thực hiện đạt được các kết quả quan trọng. Trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện 8 chính sách có liên quan đến NS&VSMTNT, gồm 3 chương trình của Trung ương và 5 chương trình, nội dung của tỉnh. Tổng huy động nguồn lực đầu tư của các chính sách NS&VSMTNT đạt gần 2.278 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách của Trung ương, vốn vay Ngân hàng Thế giới chiếm 58,7%, ngân sách tỉnh chiếm 6,42%, vốn huy động (Vốn đóng góp của nhân dân, vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội và vốn đầu tư của doanh nghiệp) chiếm 34.87%.

Theo kết quả nghiên cứu của đề tài, Giai đoạn 2011 - 2019, các cấp, các ngành của tỉnh Phú Thọ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ Chương trình theo các Quyết định, chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, đã lồng ghép các nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, xây dựng được các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; nhiều công trình đã phát huy được vai trò, hiệu quả trong thực tiễn. Qua đó đã góp phần quan trọng vào các kết quả đạt được trong việc triển khai thực hiện các chương trình, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và đưa tỉnh Phú Thọ trở thành một trong những tỉnh đạt được kết quả ở mức cao, góp phần đảm bảo vệ sinh, nâng cao sức khỏe người dân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Nhận thức của người dân vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc ít người về sử dụng nước hợp vệ sinh, thực hành các hành vi vệ sinh và bảo vệ môi trường, tập quán và hành vi vệ sinh, chăm sóc sức khỏe của người dân đã được cải thiện và ngày một nâng lên, môi trường nông thôn đang thay đổi theo hướng tích cực, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, tỉ lệ số xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới tăng dần qua từng năm… Trên địa bàn tỉnh có 133 công trình cấp nước tập trung với 4 mô hình quản lý, vận hành, khai thác các công trình cấp nước tập trung (Cộng đồng quản lý; Hợp tác xã quản lý, đơn vị sự nghiệp Nhà nước quản lý và Doanh nghiệp quản lý, vận hành và khai thác); có 23 doanh nghiệp được cấp phép khai thác, sử dụng nguồn nước mặt và nước dưới đất; tỷ lệ số dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn quốc gia đạt 44,09%; có trên 229.000 giếng đào, hơn 19.000 giếng khoan với tỷ lệ hợp vệ sinh đạt trên 70%; mạng lưới thu gom rác thải ở khu vực nông thôn đã tổ chức thu gom tại 630/1579 khu dân cư tập trung ở nông thôn, đạt 40%... Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số vấn đề quan tâm, cần giải quyết: Vẫn còn sự chênh lệch về tỷ lệ người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh ở các vùng; năng lực quản lý, điều hành ở các cấp, nhất là ở địa phương còn hạn chế; chất lượng xây dựng, tính đồng bộ của các công trình cấp nước đã được nhà nước đầu tư còn chưa cao, nhiều công trình hư hỏng nặng không còn khả năng duy trì hoạt động bền vững như mục tiêu ban đầu đề ra; cơ cấu nguồn lực thực hiện Chương trình NSVSMT nông thôn không đồng đều, phụ thuộc lớn vào nguồn ngân sách của Trung ương, vốn vay Ngân hàng thế giới, ngân sách tỉnh, vốn đầu tư của doanh nghiệp còn rất hạn chế; Vấn đề thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn còn nhiều hạn chế, nhất là trong chăn nuôi gia súc, gia cầm.v.v

Tại hội thảo, các đại biểu đã phân tích, đánh giá những tác động tích cực, tính hiệu quả của các chính sách về NS&VSMTNT đến tỉnh về các mặt xây dựng, hoạch định chính sách, tổ chức thực hiện, tổ chức quản lý và hiệu quả thực tế; xác định các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách; đề xuất các giải pháp nhằm triển khai hiệu quả các chính sách về NS&VSMTNT gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn tiếp theo.

Hội thảo có ý nghĩa quan trọng để giúp các cấp ủy, chính quyền của tỉnh nghiên cứu, xem xét triển khai tổ chức thực hiện tốt các chính sách, giải pháp về NS&VSMTNT một cách hiệu quả, thiết thực. Từ đó góp phần đảm bảo sức khỏe, đời sống, sản xuất của người dân nông thôn và quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Điều này càng thiết thực hơn trong bối cảnh một số chương trình về NS&VSMTNT của Chính phủ, của tỉnh sẽ kết thúc vào năm 2020 và được lồng ghép vào Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Khổng Mạnh Tiến – Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Phú Thọ

Xem Thêm

Tin mới