Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 14/05/2020 17:44 (GMT+7)

Lạm bàn giải pháp phát triển thị trường dịch vụ công hiện nay

Dịch vụ công là những hoạt động phục vụ các lợi ích chung, thiết yếu, các quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức, do Nhà nước trực tiếp đảm nhận hay ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện nhằm bảo đảm trật tự, lợi ích chung và công bằng xã hội.

 Xét theo lĩnh vực cung ứng dịch vụ, dịch vụ công gồm 3 loại: dịch vụ công trong lĩnh vực sự nghiệp; dịch vụ công trong lĩnh vực công ích và dịch vụ công trong lĩnh vực hành chính nhà nước hay còn gọi là dịch vụ hành chính công.

 Như vậy, dịch vụ hành chính công là một bộ phận cấu thành của dịch vụ công, là loại dịch công vụ gắn liền với chức năng quản lý nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu của người dân.

Description: C:\Users\Dell\Desktop\caicahhanhchinhtaihnrfwx_TCJA.jpg

Tồn tại,hạn chế

Hoạt động cung cấp dịch vụ hành chính công chưa đạt hiệu quả cao do sự cản trở và tác động các yếu tố của bộ máy quan liêu chậm được đổi mới, rõ nhất là thủ tục hành chính còn phức tạp, phiền hà; quy trình cung ứng dịch vụ qua nhiều tầng nấc, phòng ban; thái độ cửa quyền, nhũng nhiễu, quan liêu của một bộ phận cán bộ, công chức trực tiếp cung ứng dịch vụ… Việc tuyên truyền, hỗ trợ sử dụng dịch vụ công trực tuyến chưa được thực hiện đầy đủ, thường xuyên dẫn đến việc triển khai dịch vụ vẫn còn thiếu tính đồng bộ, thống nhất. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến về lợi ích của dịch vụ công trực tuyến vẫn còn hạn chế dẫn đến chưa tạo các điều kiện thuận lợi để người sử dụng tiếp cận với các dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước.

Các thông tin cần thiết về thủ tục và cách thức, quy trình thực hiện dịch vụ hành chính công, các thông tin về quy hoạch, đất đai, tài nguyên... trong nhiều trường hợp chưa được công khai rõ ràng, minh bạch nên dễ bị lợi dụng để sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà. Tổ chức và người dân chưa thực sự dễ dàng, thuận tiện khi tiếp cận thông tin và tiếp cận dịch vụ hành chính công.

Nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định về thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương còn rườm rà, phức tạp và chồng chéo, thậm chí khó hiểu hoặc có nhiều cách hiểu khác nhau làm cho người cung ứng dịch vụ lúng túng, bị động; tổ chức, công dân mất nhiều công sức, thời gian khi thực hiện, dẫn đến trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ của mình đối với cơ quan nhà nước.

Một số loại dịch vụ hành chính công trong lĩnh vực thu nộp ngân sách chậm được triển khai, thực hiện làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý thu ngân sách nhà nước.  Sự phân công, phân cấp trong việc cung ứng dịch vụ công chưa thực sự được đẩy mạnh theo hướng một công việc chỉ do một cơ quan giải quyết và chịu trách nhiệm, vẫn còn tình trạng cấp trên ôm đồm, chưa muốn giao hoặc chưa tin tưởng vào khả năng của cấp dưới.

Tình trạng bất bình đẳng, phân biệt đối xử trong việc tiếp cận dịch vụ hành chính công còn khá phổ biến; doanh nghiệp nhà nước được ưu ái hơn so với doanh nghiệp ngoài quốc doanh; người có chức quyền hoặc thân quen dễ tiếp cận các dịch vụ hơn người dân bình thường…

Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của công chức, viên chức có trách nhiệm trong việc cung ứng dịch vụ còn nhiều bất cập, hạn chế; phẩm chất, đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là người trực tiếp giải quyết các nhu cầu về dịch vụ hành chính công cho tổ chức, công dân bị sa sút, biến chất; kỷ luật, kỷ cương công vụ còn lỏng lẻo...

Chưa xây dựng, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành liên quan đến tổ chức và công dân, do đó khi thực hiện cung cấp các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4, các cơ quan nhà nước mất rất nhiều thời gian trong việc kiểm tra, xác minh các thông tin liên quan của hồ sơ đăng ký dịch vụ. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước trong cùng một tỉnh hoặc giữa một tỉnh với các bộ, cơ quan ngang bộ hoặc giữa các cơ quan thuộc Chính phủ với nhau còn gặp nhiều khó khăn về mặt pháp lý và cơ sở hạ tầng. Do đó hạn chế trong việc chia sẻ thông tin, dữ liệu để giải quyết các thủ tục hành chính liên thông giữa các cơ quan với nhau trên môi trường mạng.

Giải pháp phát triển thị trưng dịch vụ hành chính công Việt Nam

Cần thay đổi cơ bản tư duy quản lý nhà nước chuyển từ quản lý hành chính mệnh lệnh sang quản lý thông qua phục vụ, lấy đổi tượng quản lý làm trung tâm  để phục vụ, thông qua để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nền hành chính phục vụ nhân dân, đảm bảo sự tiếp cận dễ dàng và công bằng của công dân đối với dịch vụ hành chính công.Vì sự hài lòng, lấy sự hài lòng của người thụ hưởng dịch vụ hành chính công làm thước đo đánh giá chất lượng dịch vụ.

Nên phân định nội dung, vai trò, nhiệm vụ hành chính phục vụ và hành chính dịch vụ. Cùng với việc thực hiện cải cách hành chính là hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của chính quyền các cấp; giảm đầu mối, bỏ cấp trung gian theo hướng xây dựng hệ thống cơ quan hành chính thống nhất, thông suốt, hiện đại và đúng với vai trò; thực hiện nhất quán nguyên tắc: một việc chỉ giao cho một cơ quan, một người chịu trách nhiệm chính. Trên cơ sở đó, phân định nội dung, vai trò, nhiệm vụ hành chính phục vụ và hành chính dịch vụ làm cơ sở xác định nhiệm vụ của Nhà nước đối với hành chính phục vụ là đảm bảo ngân sách để thực thi nhiệm vụ theo chức năng; đồng thời là cơ sở tạo nhu cầu cho phát triển thị trường dịch vụ hành chính nhà nước.

Cần quy hoạch, kế hoạch phát triển thị trường và danh mục dịch vụ hành chính công gắn với sắp xếp, nâng cao hiệu lực của bộ máy Nhà nước. Tập trung rà soát và cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi nhất cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu chính đáng của người dân, đặc biệt lưu ý các lĩnh vực, như: thành lập, giải thể, tạm ngưng, phá sản doanh nghiệp; đăng ký kinh doanh và chứng nhận đầu tư; đầu tư xây dựng công trình, dự án và nhà ở; quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản; xuất nhập khẩu; nộp thuế; hộ tịch, hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thị thực xuất nhập cảnh; công chứng, chứng thực; thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp…Đồng thời , xử lý nghiêm những cá nhân và tổ chức tuỳ tiện đặt ra các quy định trái pháp luật, trái thẩm quyền, gây khó khăn, phiền hà cho các đơn vị, tổ chức và người dân khi tiếp cận dịch vụ. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính trong hoạt động cung cấp dịch vụ hành chính công; cấu trúc lại một số cơ quan nhà nước theo hướng tổ chức dịch vụ hành chính công hoạt động mô hình doanh nghiệp xã hội do nhà nước thành lập để thực hiện một số thủ tục, công việc hành chính gắn với hiệu lực, hiệu quả và nguồn lực nhà nước giao (theo kết quả đầu ra). Trên cơ sở đó, thực hiện việc quy hoạch, kế hoạch phát triển thị trường và danh mục dịch vụ hành chính công gắn với sắp xếp, nâng cao hiệu lực của bộ máy Nhà nước;hiện đại hoá nền hành chính, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tính chuyên nghiệp của bộ máy hành chính, của cán bộ, công chức, đặc biệt là kỹ năng hành chính và áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của cơ quan hành chính. Quy hoạch, xây dựng công sở theo hướng tập trung và từng bước hiện đại, có đủ điều kiện và phương tiện làm việc, tạo thuận lợi cho người dân khi đến liên hệ và giải quyết công việc.

Đồng thời ban hành hệ thống pháp luật phát triển thị trường dịch vụ hành chính công, trong đó chú trọng các yêu tố đảm bảo chất lượng gắn với phí phục vụ dịch vụ hành chính công; trách nhiệm nghĩa vụ và quyền của các bên tham gia cung cấp và sử dụng dịch vụ hành chính công.Hoàn thiện thể chế, chính sách, cơ chế quản lý và tổ chức cung ứng phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng loại hình dịch vụ công, trong đó tính đến đặc thù đối với những dịch vụ là trách nhiệm của Nhà nước.Công khai các thủ tục (các loại giấy tờ, biểu mẫu) và quy trình giải quyết công việc, thời gian giải quyết, phí và lệ phí theo quy định để nhân dân biết và thực hiện thuận lợi. Tập trung cải cách theo hướng đơn giản, minh bạch, công khai về thủ tục hành chính.

Tạo điều kiện để các hội nghề nghiệp, người dân tham gia cung cấp,cũng như giám sát thị trường dịch vụ hành chính công.Vấn đề phát triển dịch vụ hành chính công trong nền hành chính nhà nước đang được cả xã hội quan tâm. Để thực hiện mục tiêu công bằng, dân chủ, văn minh, đưa đất nước phát triển và hội nhập, phù hợp với xu thế chung của khu vực và thế giới, cần xây dựng một nền hành chính công vững mạnh, nhưng trước hết phải nâng cao các dịch vụ hành chính công, giúp người dân tiếp cận dịch vụ tốt hơn. Đưa tư duy phục vụ vào sứ mệnh tổ chức của hành chính công; gắn phát triển dịch vụ công với việc phát huy, sử dụng hệ thống bộ máy các tổ chức chính trị xã hội và doanh nghiệp dịch vụ thông tin, truyền thông, bưu chính trong việc tham gia cung ứng một hoặc một số khâu trong quy trình cung cấp dịch vụ; nghiên cứu thành lập các nhóm công tác chính sách để điều phối việc lập và thực hiện kế hoạch giữa các ngành, nhấn mạnh việc xác định trình tự công việc và theo dõi kết quả hoạt động. Tạo điều kiện giám sát các lĩnh vực công một cách thường kỳ, tập trung vào các khía cạnh liên quan đến vai trò của hành chính công vào phát triển kinh tế, huy động sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội cũng như các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp trong việc cung cấp dịch vụ hành chính công.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính luôn là nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược. Trong bối cảnh đang xây dựng Chính phủ điện tử cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động trợ giúp pháp lý nói chung và trong quản lý trợ giúp pháp lý nói riêng, nhất là trong việc giám sát, đánh giá chất lượng và hiệu quả trợ giúp pháp lý. Trước xu thế phát triển của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng với quá trình toàn cầu hóa đã và đang tác động mạnh mẽ, toàn diện đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trên toàn thế giới.

Nâng cao nhận thức và hành động của cả hệ thống cơ quan hành chính nhà nước ý thức phục vụ dân, gần dân, giúp dân, học dân, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mình. Khắc phục tình trạng thiếu trách nhiệm hoặc đùn đẩy khó khăn của cán bộ, công chức cho người dân và doanh nghiệp. Xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình quản lý hành chính. Tạo lập cơ sở pháp lý đảm bảo quyền giám sát trực tiếp của nhân dân đối với hoạt động của bộ máy hành chính, tăng cường các hình thức dân chủ trực tiếp để người dân tham gia vào công việc của Nhà nước ngày càng thực chất và có hiệu quả. Đồng thời, cần sử dụng đồng bộ các cụ kiểm tra, thanh tra, kiểm toán nhằm đảm bảo sự tuân thủ pháp luật đối với dịch vụ hành chính công.

PV.

Xem Thêm

Đồng Tháp: Tổ chức hội nghị về Trí tuệ nhân tạo AI
Ngày 27/3, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Tháp (Liên hiệp hội) đã phối hợp với Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị “Trí tuệ nhân tạo (AI): Xu hướng phát triển và những gợi mở cho đội ngũ trí thức hiện nay”.
Phổ biến kiến thức lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính
Ngày 22/3 tại An Giang, Trung tâm Chứng nhận chất lượng và phát triển doanh nghiệp (thuộc Vusta) đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ An Giang, Liên hiệp hội An Giang đã tổ chức hội thảo “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - năm 2024”.

Tin mới

Phổ biến kiến thức lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính
Ngày 22/3 tại An Giang, Trung tâm Chứng nhận chất lượng và phát triển doanh nghiệp (thuộc Vusta) đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ An Giang, Liên hiệp hội An Giang đã tổ chức hội thảo “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - năm 2024”.
Thanh Hoá: Phản biện quy định chi phí tham gia chương trình đào tạo
Sáng ngày 19/3, Liên hiệp hội tỉnh tổ chức hội thảo “Quy định mức chi phí đào tạo, mức hỗ trợ đào tạo đối với từng nhóm đối tượng tham gia chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” (Quy định) do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội soạn thảo.