Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 06/11/2019 17:50 (GMT+7)

Giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về BVMT, khai thác khoáng sản tại Vĩnh Phúc, Bắc Ninh

Căn cứ Kế hoạch số 769/KH-BCĐGSTHBVM ngày 3/5/2019 của Ban chỉ đạo giám sát thực hiện bảo vệ môi trường về việc tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2019, ngày 5/11, Đoàn giám sát của Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do TS Phạm Văn Tân – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam thừa ủy quyền làm Trưởng đoàn đã đến làm việc tại Bắc Ninh và Vĩnh Phúc về việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu.


Quang cảnh buổi làm việc tại Bắc Ninh

Báo cáo với đoàn, ông Nguyễn Tiến Nhường-Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, trong thời gian qua công tác chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức về công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh Bắc Ninh từng bước được nâng lên. Các hoạt động bảo vệ môi trường đã được các cấp, các ngành và đông đảo tầng lớp nhân quan tâm. Hệ thống quản lý Nhà nước về môi trường ngày càng được củng cố và kiện toàn. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tích cực áp dụng nhiều biện pháp bảo vệ môi trường. Nhiều dự án đầu tư bắt buộc phải được thẩm định về môi trường. Môi trường làng nghề, khu vực nông thôn, khu dân cư được cải thiện. Năng lực quản lý về bảo vệ môi trường các cấp được nâng lên; công tác trồng và bảo vệ rừng đặc dụng được duy trì.

Đoàn giám sát đi khảo sát thực tế tại Công ty Cổ phần Môi trường Thuận Thành

Ngoài ra việc khai thác khoáng sản trong thời gian qua đã góp phần quan trọng đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Bắc Ninh, đáp ứng nguyên vật liệu phục vụ các dự án công trình trọng điểm, hạ tầng kỹ thuật, xây dựng nông thôn mới, phục vụ dân sinh, góp phần tăng ngân sách, giải quyết việc làm. Chính quyền các cấp đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản theo quy định của Luật khoáng sản năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Hệ thống cơ chế chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu đã dần được hoàn thiện tạo sự chủ động cũng như mang lại hiệu quả thiết thực trong các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Tuy nhiên,  trong quá trình thực hiện vẫn còn gặp một số khó khăn, như đối với hoạt động khai thác cát, sỏi diễn ra trên sông, trong khi đó hầu hết các cơ quan quản lý không có phương tiện di chuyển trên sông; Việc khai thác khoáng sản không quy định rõ về thời gian khai thác trong ngày nên việc các doanh nghiệp hoạt động khai thác vào ban đêm là rất khó quản lý và kiểm soát; Lĩnh vực biến đổi khí hậu là hoạt động mới, trong đó hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về biến đổi khí hậu hiện vẫn chưa cụ thể. Hệ thống văn bản quy phạm phạm pháp luật về môi trường, đa dạng sinh học chưa đồng bộ, nhiều quy định còn chồng chéo và chưa đầy đủ, nhiều chính sách, văn bản hướng dẫn đã được ban hành nhưng chưa cụ thể, vì vậy gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Đại diện UBND tỉnh Bắc Ninh kiến nghị với Quốc hội cần nghiên cứu ban hành Nghị quyết về miễn thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với phần trữ lượng đã khai thác giai đoạn từ ngày 1/7/2011 đến ngày 31/12/2013; Sửa đổi, bổ sung Luật khoáng sản năm 2010, Bảo vệ môi trường năm 2014 với Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện; Xem xét tăng mức chi sự nghiệp môi trường nhằm giải quyết các vấn đề môi trường, cấp thiết; Nghiên cứu ban hành Luật về biến đổi khí hậu để có cơ sở pháp lý triển khai thực hiện.
Đối với Chính phủ, cần giao cho bộ, ngành có liên quan sớm có Đề án về chiến lược khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Giao Bộ Xây dựng đánh giá tiềm năng, trữ lượng, đề xuất các giải pháp quản lý, tránh tình trạng xảy ra các điểm nóng về khai thác cát, sỏi trong thời gian vừa qua; Sửa đổi , bổ sung các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường cho thống nhất; Chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện những chính sách pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó cần phân định chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành một cách rõ ràng, cụ thể tránh trùng lặp, chồng chéo; đồng thời hình thành cơ chế phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương trong hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Trưởng đoàn giám sát TS Phạm Văn Tân ghi nhận nộ lực của Bắc Ninh trong ban hành các kế hoạch, băn bản quy phạm pháp luật cũng như hành động cụ thể hướng dẫn người dân trên địa bàn ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường đồng thời đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về tài nguyên môi trường.
Tại Bắc Ninh, Đoàn giám sát đã khảo sát thực tế tại Công ty Cổ phần Môi trường Thuận Thành.
Cũng trong đợt giám sát này, Đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu và khảo sát thực tế tại Nhà máy Prime Vĩnh Phúc.

TS Phạm Văn Tân – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam làm với UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Đoàn giám sát thăm và làm việc tại Nhà máy Prime Vĩnh Phúc


Quang cảnh buổi làm việc tại Vĩnh Phúc

Tác giả bài viết: HT

Xem Thêm

Đồng Tháp: Hội Sinh vật cảnh tổ chức Đại hội lần thứ III
Ngày 5/4/ 2024, tại Đồng Tháp, Hội Sinh vật cảnh tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Tham dự Đại hội có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nội vụ, các sở, ngành liên quan và gần 60 đại biểu là các hội viên của Hội.

Tin mới