Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 24/03/2020 19:28 (GMT+7)

Đẩy mạnh thực thi Nghị định 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ

Vi chất dinh dưỡng là các vitamin và khoáng chất mà cơ thể chúng ta cần tiêu thụ với một lượng rất nhỏ hàng ngày nhưng nếu thiếu sẽ gây nên những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe.

Sử dụng muối I ốt để phòng chống bệnh bướu cổ (Ảnh st)

Hiện nay, ở Việt Nam, tỷ lệ chết trẻ em dưới 1 tuổi là 30/1000 trẻ đẻ sống, tỷ lệ trẻ em chết dưới 5 tuổi là 39/1000 trẻ đẻ sống, tỷ lệ trẻ sơ sinh chết là 7,5/1000 trẻ sinh sống và tỷ lệ chết mẹ là 95/100.000 trẻ đẻ sống, tỷ số rủi ro tương đối của các trường hợp tử vong do thiếu vitamin A nhẹ ở trẻ trên 6 tháng tuổi là 1,75, đây là một trong những ý kiến của các đại biểu tại Tọa đàm “Thúc đẩy thực thi Nghị định 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ vì sức khỏe và tầm vóc Việt” do Trung tâm Thông tin Tổ chức phi Chính phủ tổ chức.

Trong số 1.600 trường hợp tử vong của mẹ hàng năm có 192 (12%) trường hợp liên quan đến thiếu máu do thiếu sắt. Thiếu máu không chỉ gây tác hại đối với sức khỏe, năng lực trí tuệ mà còn ảnh hưởng tới phát triển kinh tế của đất nước do năng suất lao động kém và những chi phí do bệnh tật – hậu quả của tình trạng thiếu máu thiếu sắt.

Các giải pháp phòng ngừa thiếu hụt vi chất dinh dưỡng

Theo TS.BS Trần Khánh Vân – Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, các giải pháp phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng gồm: Bổ sung vi chất dinh dưỡng bằng đường uống bổ sung; Tăng cường vi chất dinh dướng vào thực phẩm; Đa dạng hóa bữa ăn nhằm cung cấp đủ vi chất dinh dưỡng.

Hiện nay, theo TS Vân thì giải pháp đa dạng hóa bữa awnm có giá thành cao khoảng 1.148 USD/người/năm. Giải pháp này có thể khắc phục bền vững tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, nhà nước không thể trích từ ngân sách nhà nước ra nguồn kinh phí lớn như vậy để bao cấp cho người dân. Nếu nhà nước không chi trả thì người dân, đặc biệt là người nghèo cũng không thể bỏ ra một số tiền lớn như vậy để thay đổi và duy trì bữa ăn hàng ngày.

Giải pháp bổ sung vi chất bằng đường uống hoặc tiêm có giá thành thấp hơn là 11.4 USD. Tuy nhiên, bổ sung vi chất bằng đường uống hoặc tiêm cần nguồn kinh phí lớn từ nhà nước hỗ trợ cung cấp cho người dân hoặc từ kinh phí cá nhân của người dân. Bên cạnh đó, việc bổ sung bằng đường uống hoặc tiêm không thuận tiện cho tất cả mọi người dân và đòi hỏi hệ thống triển khai được đào tạo về chuyên môn.

Tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm có giá thành thấp nhất, chỉ 0.06 USD người/năm. Ngoài ưu điểm chi phí thấp, sử dụng thuận tiện thì còn có ưu điểm là áp dụng rộng rãi cho cộng đồng. Nhà nước không phải chi phí để mua vi chất hay thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡn cho người dân mà nhà nước chỉ xây dựng chính sách để quy định bắt buộc một số thực phẩm phải tăng cường vi chất dinh dưỡng.

Ngoài ra, theo TS Vân việc lựa chọn loại vi chất dinh dưỡng để tăng cường vào thực phẩm dựa trên các tiêu chí sau:

-Là những thực phẩm thiết yếu, phổ biến và được tiêu thụ đều đặn bởi một lượng lớn người dân. Người dân có thể dễ dàng tìm mua bởi những thực phẩm này được bày bán sẵn ở các chợ, cửa hàng tạp hóa, siêu thị.,..

-Chất tăng cường có thể được trộn vào một cách dễ dàng và giá thành rẻ.

-Phần lớn những thực phẩm này được chế biến tập trung.

-Căn cứ vào thực trạng và báo cáo đánh giá về tình hình thiếu hụt vi chất dinh dưỡn chủ yếu hiện nay tại Việt Nam.

Đẩy mạnh thực thi Nghị định 09/2016/NĐ-CP

Nghị định số 09/2016/NĐ-CP được ban hành ngày 28/01/2016, quy định về việc muối dùng để ăn trực tiếp và dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt, bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm và dầu thực vật phải được tăng cường vitamin A (trừ dầu dùng trong chế biến thực phẩm theo phương pháp công nghiệp). Để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện Nghị định này, Chính phủ đã quy định lộ trình bắt buộc áp dụng là 01 năm (15/3/2017) đối với muối I-ốt và 02 năm (15/3/2018) đối với bột mỳ sắt, kẽm và dầu ăn vitamin A. Đó là khoảng thời gian cần thiết và đủ để các tổ chức, cá nhân chịu sự điều chỉnh của Nghị định này thực hiện các công tác chuẩn bị về kỹ thuật cũng như sắp xếp về sản xuất, kinh doanh.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thức ăn hàng ngày chỉ cung cấp khoảng 70% như cầu vi chất dinh dưỡng của cơ thể. Hàm lượng vi chất dinh dưỡng tăng cường vào thực phẩm sẽ được tính toán trong quy chuẩn kỹ thuật quốc giá để đáp ứng khoảng 30% nhu cầu còn thiếu của cơ thể, với lượng rất nhỏ. Việc bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm dùng cho cộng đồng không làm cho cơ thể người sử dụng dư thừa vi chất dinh dưỡng hoặc gây bệnh do thừa vi chất dinh dưỡng, kể cả đối với người dân sinh sống ở vùng không bị thiếu vi chất dinh dưỡng.

Việc thiếu vi chất dinh dưỡng ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài tới phát triển, trí tuệ, tầm vóc và thể lực người Việt Nam. Theo TS Vân ngay cả những người thừa cân và béo phì cũng có thể bị thiếu vi chất dinh dưỡng do chế độ ăn thừa năng lượng nhưng lại thiếu các vitamin và chất khoáng. Nghị định số 09/NĐ-CP ngày 28/01/2016 của Chính phủ về bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm là giải pháp căn cơ, lâu dài để có được nguồn nhân lực khỏe mạnh, phát triển toàn diện, hiệu suất lao động cao trong công cuộc xây dựng kinh tế và phát triển đất nước.

Nước mắm được bổ sung I ốt theo tinh thần chỉ đạo của Nghị định 09/2016/NĐ-CP(Ảnh st)

Ngoài ra, theo kết nghiên cứu của Viện dinh dưỡng Quốc gia cũng cho thấy chỉ có 6% người dân sử dụng muối trực tiếp trong bữa ăn hàng ngày, còn lại là bột canh, hạt nêm, nước tương, nước mắm và các gia vị mặn khác. Hơn nữa, thói quen ăn uống bên ngoài gia đình cũng rất phổ biến, hầu hết mọi người chỉ nấu được bữa tối trong ngày. Do vậy nếu chỉ sử dụng muối I ốt trong tình hình thói quen dùng muối thay đổi như hiện nay, thì lượng I ốt nạp vào thông qua muối I ốt sẽ không đủ để phòng chống các rối loại do thiếu I ốt gây ra, mà cần phải có sự hiện diện của I ốt trong mọi loại thực phẩm.

Việc dùng nguyên liệu dã bổ sung vi chất dinh dưỡng trong sản xuất thực phẩm không phải là rào cản cho doanh nghiệp mà ngược lại, tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp khi mang lại cho người tiêu dùng các sản phẩm có thêm vi chất dinh dưỡng, thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc chung tay với Chính phủ cải thiện sức khỏe cộng đồng.

Hiện nay đã có rất nhiều doanh nghiệp thực hiện tốt Nghị định 09, theo khảo sát cho thấy, tất cả các cơ sở sản xuất muối, bột mỳ và dầu ăn (11/11 cơ sở) đều thực hiện sản xuất thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng (từ ngày 15/3/2017 đối với cơ sở sản xuất muối và từ ngày 15/3/2018 đối với cơ sở sản xuất bột mỳ và dầu ăn). Các cơ sở sản xuất thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng có thể thực hiện lâu dài do không gặp khó khăn trong đầu tư máy móc cơ bản, mua vi chất dinh dưỡng và bố trí nhân công triển khai.

- I-ốt sử dụng để tăng cường vào muối là KIO 3- Kali Iodate, là một hợp chất ở dạng tinh bột rắn, tan trong nước, không màu, không mùi, không vị, không bay hơi và bền vững ở nhiệt độ đun nấu thông thường với điểm nóng chảy là 560 oC.

-I-ốt tăng cường vào muối làm tăng 50.000 – 100.000 đồng/tấn muối (tương đương tăng 2-4% so với giá muối tinh).

-Sắt, kẽm tăng cường vào bột mỳ làm tăng 0,4 – 0,8% giá thành. Các hợp chất này không mùi và có màu trắng, gần với màu của bột mỳ.

Hàm lượng sắt, kẽm tăng cường vào bột mỳ với hàm lượng cực nhỏ nên không ảnh hưởng gì đến mùi vị, màu sắc của bột mỳ và sản phẩm thực phẩm. Theo kết quả khảo sát, chỉ có một cơ sở sản xuất thực phẩm (trong số 08 cơ sở khảo sát) có phản ánh mỳ ăn liền chưa chiên chế biến từ bột mỳ sắt, kẽm có màu vàng đậm hơn so với làm từ bột mỳ không tăng cường sắt, kẽm nhưng sự thay đổi này là rất nhỏ và chuyên gia cảm quan của chính công ty cũng thừa nhận người tiêu dùng cũng khó phân biệt được.

Tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm là một chính sách nhân văn, mang lại nhiều lợi ích nổi trội cho sự tăng trưởng, phát triển và duy trì sự sống khỏe mạnh của cộng đồng.

Bài: HT

Xem Thêm

Góp ý dự thảo các đề cương báo cáo của Tiểu ban Điều lệ Đảng Đại hội XIV
Chiều ngày 28/3 tại Hà Nội, Đảng đoàn phối hợp với Đảng ủy Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Đề cương Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Điều lệ Đảng (2011 - 2025), Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIII.
Đồng Tháp: Tổ chức hội nghị về Trí tuệ nhân tạo AI
Ngày 27/3, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Tháp (Liên hiệp hội) đã phối hợp với Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị “Trí tuệ nhân tạo (AI): Xu hướng phát triển và những gợi mở cho đội ngũ trí thức hiện nay”.

Tin mới

Góp ý dự thảo các đề cương báo cáo của Tiểu ban Điều lệ Đảng Đại hội XIV
Chiều ngày 28/3 tại Hà Nội, Đảng đoàn phối hợp với Đảng ủy Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Đề cương Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Điều lệ Đảng (2011 - 2025), Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIII.
Phổ biến kiến thức lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính
Ngày 22/3 tại An Giang, Trung tâm Chứng nhận chất lượng và phát triển doanh nghiệp (thuộc Vusta) đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ An Giang, Liên hiệp hội An Giang đã tổ chức hội thảo “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - năm 2024”.