Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 13/01/2020 18:10 (GMT+7)

Cấp bách hành động



Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước có số loài động vật hoang dã (ĐVHD) bị đe dọa tuyệt chủng cao trên thế giới với 7/100 loài nằm trong danh sách bị đe dọa nhất. Theo báo cáo của quỹ bảo vệ Thiên nhiên (WWF), trong những năm qua, Việt Nam cũng là một trong những điểm nóng về săn bắt, khai thác, buôn bán động, thực vật hoang dã trên thế giới.

Ảnh internet

Theo báo cáo của quỹ bảo vệ Thiên nhiên (WWF), trong những năm qua, Việt Nam cũng là một trong những điểm nóng về săn bắt, khai thác, buôn bán động, thực vật hoang dã trên thế giới. Các điểm nóng chủ yếu tập trung ở những tỉnh, thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Trị, Nghệ An, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Gia Lai, Kom Tum. Quốc lộ 1A là tuyến đường vận chuyển các loài hoang dã nhiều nhất Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cũng được cọi là một trong những nước trung chuyển trong hoạt động buôn bán ĐVHD xuyên quốc gia.

Theo ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cho biết,tại Việt Nam, hoạt động buôn bán trái pháp luật các loài hoang dã ở quy mô thương mại xuất hiện từ những năm cuối thập kỷ 80, khi đất nước đổi mới và mở cửa, dẫn tới sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế. Cơ sở hạ tầng phát triển mạnh mẽ, giao thông đi lại thuận lợi, thương mại quốc tế ngày càng mở rộng cũng góp phần làm gia tăng tình trạng buôn bán các loài hoang dã. Hơn nữa, thu nhập của người dân tăng lên cũng là lúc tầng lớp giàu có bắt đầu có điều kiện  mua sắm, tiêu dùng các mặt hàng xa xỉ, bao gồm thực phẩm, thuốc chữa bệnh, đồ trang sức, thời trang, mỹ nghệ, trưng bày, trang trí, quà biếu, tặng từ sản phẩm của các loài hoang dã.

Số liệu từ các vụ bắt giữ gần đây cho thấy các loài hoang dã bị buôn bán trái phép không chỉ có nguồn gốc trong nước. Nhiều loài động vật và sản phẩm có nguồn gốc nước ngoài như tê giác Châu Phi, voi Châu Phi, các loài mèo lớn, gấu, tê tê, rùa nước ngọt, rắn và kỳ đà có nguồn gốc từ các nước Châu Á khác… đang được buôn bán, tiêu thụ và trung chuyển qua Việt Nam (Tổng cục Hải quan, 2017).

Mặc dù Chính phủ Việt Nam và các tổ chức bảo tồn trong nước cũng như quốc tế đã có rất nhiều nỗ lực ngăn chặn, song hoạt động khai thác và buôn bán bất hợp pháp đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với các loài ĐVHD và đa dạng sinh học của Việt Nam.

Số liệu thống kê cho thấy năm 1992 có 365 loài động vật bị xếp loại là Loài nguy cấp (EN) trong Sách Đỏ của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) thì đến năm 2004 số lượng là 407 loài và chỉ 3 năm sau (2007) con số này đã tăng lên 418 loài. Nhiều loài động vật đã bị tuyệt chủng và nhiều loài khác trên bờ vực của tuyệt chủng tại Việt Nam.

Và ông Nguyên cũng cho biết thêm, hiện nay Nhà nước đãxây dựng được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý buôn bán các loài ĐVHD thuộc các phụ lục của CITES và được Ban Thư ký CITES quốc tế xếp vào loại 1 (Bộ NN&PTNT, 2018).

Hệ thống các văn bản pháp luật về ĐVHD của Việt Nam bao gồm: Luật Bảo vệ và phát triển rừng (1991, 2004); Luật Lâm nghiệp 2017; Luật Đa dạng sinh học 2008. Đáng chú ý là Bộ luật Hình sự năm 1999, lần đầu tiên có 1 điều quy định về tội vi phạm các quy định về bảo vệ ĐVHD thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Điều 190); Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) có 2 Điều quy định về tội vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD (Điều 234) và tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm (Điều 244). Theo đó, các điều này đã định khung hình phạt đồng thời tăng nặng mức hình phạt hình sự.

Tuy nhiên, theo ông Nguyên vẫn còn một số hạn chế, bất cập và các khuyến cáo cải thiện pháp luật, như hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều chồng chéo, thiếu các quy định liên quan đến quản lý mẫu vật săn bắn, tịch thu, thiếu các quy định về giám định pháp y, cứu hộ và tái thả các cá thể ĐVHD còn sống. Đồng thời, một số quy định còn bất cập, gây khó khăn cho lực lượng thực thi pháp luật trong quá trình xử lý các vụ vi phạm về buôn bán vận chuyển trái pháp luật các loài ĐVHD và tạo ra những lỗ hổng pháp lý mà tội phạm về ĐVHD lợi dụng.

Cụ thể, đối tượng tác động của các điều luật thuộc Bộ luật Hình sự ban hành năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 không bao gồm dẫn xuất của động vật như mật, cao và trứng các loài ĐVHD. Điều này khiến hậu quả pháp lý đối với các đối tượng buôn bán trái phép các mẫu vật loại này trở nên khó xác định.

Trong khi đó, Điều 244 quy định chỉ áp dụng trách nhiệm hình sự trong các trường hợp vi phạm liên quan đến bộ phận cơ thể của động vật nếu các bộ phận đó là “bộ phận không thể tách rời sự sống”. Đây là một thuật ngữ không rõ ràng, khó hiểu, có thể dẫn tới nhiều cách giải thích khác nhau và gây khó khăn cho các cơ quan thực thi pháp luật và cơ quan tư pháp.

Chẳng hạn, các bộ phận quan trọng của các cá thể ĐVHD như đầu, tim, gan, phổi… thì có thể dễ dàng xác định là “bộ phận không thể tách rời sự sống” – tức là cá thể ĐVHD không thể sống mà thiếu các bộ phận đó. Tuy nhiên, đối với các bộ phận khác như vảy, da, lông, răng/ngà, móng vuốt… thì có xác định là “bộ phận không thể tách rời sự sống” không?

Với quy định như vậy, trong trường hợp bắt giữ được các lô hàng vận chuyển vảy các loài tê tê, các cơ quan thực thi pháp luật rất khó kết luận đây có phải là bộ phận không thể tách rời sự sống hay không vì một cá thể tê tê có thể vẫn sống nếu bị tách rời một vài vảy, tuy nhiên khi toàn bộ vảy bị tách rời thì cá thể đó sẽ bị chết.

Tiếp đến làsự hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật trong nước về đấu tranh, phòng chống buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ trái pháp luật các loài động vật, thực vật hoang dã chưa thực sự hiệu quả, thiếu chặt chẽ do quy định pháp luật về chức năng, thẩm quyền chưa rõ ràng, mỗi ngành, cấp có ưu tiên khác nhau. Các cơ chế phối hợp, quy trình điều tra sau bắt giữ các cá thể hoặc sản phẩm ĐVHD chưa được quy định rõ, bao gồm cả quy trình lập, chuyển hồ sơ từ lực lượng hải quan, biên phòng, kiểm lâm sang công an, cơ quan giám định, viện kiểm sát và toà án, việc xử lý ĐVHD và bộ phận của chúng sau khi tịch thu.

Mặcdù hiện có một số tổ chức trong nước và quốc tế tại Việt Nam có mục tiêu chung về bảo tồn đa dạng sinh học, chống buôn bán ĐVHD nguy cấp quý hiếm, song vẫn thiếu sự điều phối chung dẫn tới việc hợp tác còn yếu và đặc biệt là chưa có mối kết nối chặt chẽ với các cơ quan tham mưu xây dựng và thực thi chính sách về bảo vệ các loài hoang dã.

Tộiphạm vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ các loài hoang dã đã hình thành các đường dây tội phạm xuyên quốc gia, được tổ chức chặt chẽ với những phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt có xu hướng gia tăng, tinh vi hơn cả về quy mô và tính chất.

Trong khi đó, hợp tác quốc tế giữa các nước trong khu vực còn hạn chế do luật pháp của từng quốc gia chưa hài hòa, thiếu các hiệp định tương trợ tư pháp. Ngoài ra, quy định pháp luật chưa tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ thông tin, mẫu vật giữa các quốc gia, thiếu cơ chế phối hợp quốc tế, hoặc có cơ chế nhưng thiếu nguồn lực để triển khai các cơ chế đó trên thực tiễn.

Tộiphạm môi trường, nhất là tội phạm đối với các loài hoang dã, vẫn được xem là loại tội phạm tương đối mới tại Việt Nam và do đó chưa được nhận thức đúng mức về mức độ nghiêm trọng cũng như chưa được đầu tư thoả đáng để kiểm soát, ngăn chặn, dẫn đến hiện tượng thiếu nhân lực, nguồn lực, năng lực.

Ảnh internet

Ngoài ra, theo ông Nguyên thìhiểu biết và nhận thức và của một bộ phận không nhỏ người dân nói chung và những người có khả năng tài chính để sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD nói riêng còn sai lệch. Chẳng hạn, họ lầm tưởng về hiệu quả của các sản phẩm từ sừng tê giác, vảy tê tê trong điều trị bệnh hay sử dụng các loại rượu ngâm xác ĐVHD để bồi bổ sức khỏe. Xã hội cũng chưa có thái độ phê phán mạnh mẽ đối với hành vi săn bắt, buôn bán hay sử dụng ĐVHD nguy cấp, quý hiếm làm thực phẩm, làm thuốc, làm đồ trang trí, trang sức hay quà tặng, gián tiếp tạo động lực cho tội phạm ĐVHD tiếp tục buôn bán trái pháp luật cũng như làm giảm thiểu hiệu quả của các hoạt động thực thi pháp luật nhằm phòng chống vấn nạn này.

Ông Nguyên cho rằng, để giải quyết những vấn đề nêu trên, cần phải hoàn thiện và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách trong bảo vệ các loài động vật, thực vật hoang dã. Rà soát, sửa đổi, bổ sung khung pháp lý, chính sách nhằm loại bỏ những bất cập và sự thiếu nhất quán giữa các văn bản pháp luật về bảo vệ các loài hoang dã; Tăng cường thực thi pháp luật về công tác phòng chống buôn bán trái pháp luật và bảo vệ, bảo tồn các loài hoang dã. Huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế để đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, tập huấn; soạn thảo tài liệu hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, tăng cường năng lực thực thi các quy định pháp luật về quản lý bảo tồn, kỹ năng điều tra và xử lý tội phạm liên quan đến các loài hoang dã; Các cơ quan thực thi pháp luật cần phối hợp chặt chẽ để xây dựng cơ chế hợp tác liên ngành, tăng cường trao đổi thông tin và vai trò tham gia, phối hợp triển khai các hoạt động bảo tồn và thực thi pháp luật về phòng chống buôn bán các loài hoang dã.

Huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế để thực thi các hiệp ước, cam kết quốc tế về bảo tồn các loài hoang dã thông qua hợp tác trong khu vực và trên thế giới.

Xây dựng cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế triển khai các hoạt động về giảm nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã thông qua việc cung cấp kiến thức, thay đổi thái độ, hành vi và khuyến khích các tiêu chuẩn xã hội mới về không khoan nhượng đối với việc tiêu dùng các sản phẩm động, thực vật hoang dã trái phép.

Tạo sinh kế bền vững cho người dân, đặc biệt là đối với những người sống gần các khu vực có rừng để làm giảm áp lực từ việc săn, bắn, bắt, bẫy các loài ĐVHD – đây là giai đoạn khởi đầu của việc buôn bán trái pháp luật các loài ĐVHD. Đồng thời hướng dẫn, khuyến khích cộng đồng sống ở các vùng đệm các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng phòng hộ tham gia bảo vệ và bảo tồn các loài ĐVHD, góp phần bảo tồn nguyên vị các loài hoang dã.

Bài: HT

Xem Thêm

Tin mới