Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 14/07/2021 22:31 (GMT+7)

Bạn là ai và làm được những gì?

Đó là ý kiến của Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung tại buổi làm việc với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vào ngày 12/7. Ngoài ra, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung nhấn mạnh, Liên hiệp Hội Việt Nam cần xác định rõ đối tượng, nghiên cứu phương thức hoạt động đồng thời đưa ra những dự báo; phân hoá đối tượng trong từng lĩnh vực nhiệm vụ cụ thể; giải bài toán trụ cột bằng việc nghiên cứu đưa ra các khái niệm, cơ chế phối hợp, biện pháp nâng cao hiệu quả...

Hiện nay, Liên hiệp Hội Việt Nam có hệ thống từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc TW với 90 Hội khoa học và kỹ thuật chuyên ngành hoạt động trên phạm vi toàn quốc và 63 Liên hiệp hội tỉnh, thành phố trực thuộc, gần 600 tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập trực thuộc Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam. Thông qua hệ thống mạng lưới thành viên và tổ chức trực thuộc của mình, Liên hiệp Hội Việt Nam đã tập hợp được đông đảo lực lượng các nhà khoa học, chuyên gia của nhiều chuyên ngành KH&CN, theo thống kê đã tập hợp được 3,7 triệu hội viên trong đó 2,2 triệu trí thức KH&CN.

Chỉ tính riêng về đối ngoại nhân dân, giai đoạn 2011-2020, Liên hiệp Hội Việt Nam và các tổ chức KH&CN trực thuộc đã tổ chức 598 hoạt động đối ngoại, gồm 331 đoàn vào, 175 đoàn ra và 92 hội nghị hội thảo quốc tế. Trong đó số lượng hoạt động đối ngoại do Cơ quan Liên hiệp Hội Việt Nam trực tiếp tổ chức chỉ chiếm 10% (trung bình hàng năm LHHVN cử 3-4 đoàn đi nước ngoài có sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước), các tổ chức KH&CN triển khai 90% trong tổng số hoạt động nói trên và hoàn toàn không sử dụng ngân sách nhà nước.

Với vai trò là thành viên của AFEO, Liên hiệp Hội Việt Nam đã 3 lần đăng cai tổ chức thành công hội nghị CAFEO lần thứ 18 (năm 2000), CAFEO 28 (năm 2010) và CAFEO 38 năm 2020. Đặc biệt năm 2020, Liên hiệp Hội Việt Nam đã chủ trì đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Liên đoàn các tổ chức kỹ sư ASEAN lần thứ 38 (CAFEO38) theo hình thức trực tuyến với đại biểu quốc tế và trực tiếp tại Hà Nội. CAFEO38 đã được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đánh giá là hoạt động góp phần tích cực cho thành công năm chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, được bạn bè quốc tế và các hội thành viên đánh giá cao.

Cơ quan Liên hiệp Hội Việt Nam đã huy động các tổ chức trực thuộc tham gia đóng góp cho tiến trình bảo vệ Báo cáo Kiểm điểm định kỳ về Nhân quyền của Việt Nam tại Liên hợp quốc (UPR chu kỳ III) năm 2018. Kết quả là đã có 14 tổ chức KH&CN trực thuộc đệ trình thành công báo cáo lên Ủy ban Nhân Quyền của Liên Hợp Quốc, chiếm gần 50% số lượng báo cáo và đã được BộNgoại giao Việt Nam đánh giá cao về sự chủ động, phối hợp chặt chẽ và có trách nhiệm của Liên hiệp Hội Việt Nam đối với tiến trình này.

Cơ quan Liên hiệp Hội Việt Nam đã tích cực tham gia góp ý, xây dựng trong tiến trình quốc gia thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững của Chính phủ, do Bộ KH&ĐT chủ trì thực hiện.

Liên hiệp Hội Việt Nam đã tích cực triển khai nhiều hoạt động kết nối trí thức khoa học người Việt Nam ở nước ngoài với các nhà khoa học trong nước, thông qua tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo và tiếp xúc với cộng đồng trí thức KH&CN người Việt Nam ở nước ngoài. Lãnh đạo Liên hiệp Hội Việt Nam đã gặp mặt trao đổi với nhiều nhóm trí thức KH&CN người Việt Nam ở nước ngoài để chia sẻ và tăng cường hợp tác với trí thức trong nước (nhóm cựu sinh viên nhận học bổng Quỹ Giáo dục Việt Nam của Hoa Kỳ, Hội lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản, Hội Chuyên gia Việt Nam toàn cầu, tham gia các cuộc hội thảo khoa học do Giáo sư Trần Thanh Vân tổ chức tại Trung tâm Khoa học và Giáo dục Liên ngành tại thành phố Quy Nhơn, qua đó kết nối được với các trí thức người Việt Nam ở nước ngoài và nhà khoa học uy tín của nước ngoài, giới thiệu họ hợp tác với các tổ chức KH&CN trong hệ thống.

Với chức năng là cơ quan đầu mối quản lý hoạt động đối ngoại của các tổ chức KH&CN trực thuộc, Liên hiệp Hội Việt Nam đã tham gia đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện và đề xuất sửa đổi cho một số chính sách liên quan đến công tác ĐNND.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Liên hiệp Hội Việt Nam còn chỉ đạo việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế phục vụ các nhiệm vụ chuyên môn của Liên hiệp Hội Việt Nam đó là: đề xuất dự án Luật Hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp của Việt Nam trình Quốc hội; Luật Phổ biến kiến thức, kinh nghiệm quốc tế về quản lý hội và tổ chức phi chính phủ, phục vụ thực hiện đề tài cấp Nhà nước về hoàn thiện quản lý Nhà nước về hội và tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam.

Công tác quản lý, hỗ trợ và hướng dẫn hoạt động HTQT đối với hội thành viên và tổ chức KH&CN trực thuộc không ngừng được hoàn thiện, nâng cao chất lượng và hiệu quả. Liên hiệp Hội Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước ở TW và địa phương trong việc tập huấn, hướng dẫn thực hiện, thẩm định, phê duyệt, kiểm tra, giám sát hoạt động tiếp nhận, sử dụng viện trợ và tiếp nhận người nước ngoài vào làm việc của các tổ chức trực thuộc, bảo đảm đúng quy định của Đảng và Nhà nước góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực đến tình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Công tác truyền thông đối ngoại của Liên hiệp Hội Việt Nam, các hội thành viên và tổ chức trực thuộc được quan tâm. Liên hiệp Hội Việt Nam đã tích cực chia sẻ, giới thiệu kết quả hoạt động của các tổ chức trên toàn hệ thống tới các đối tác quốc tế (qua website, bản tin, sự kiện...). Phần lớn các hội thành viên và tổ chức trực thuộc đều có website tiếng Việt và tiếng Anh. Nhiều tổ chức KH&CN trực thuộc sử dụng kênh mạng xã hội để truyền thông về hoạt động của tổ chức đến với đối tác trong và ngoài nước.

Trong bối cảnh nguồn viện trợ nước ngoài cắt giảm mạnh, các tổ chức KH&CN trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn nỗ lực vận động và duy trì được mức viện trợ trên 10 triệu USD mỗi năm. Nhiều tổ chức đã tiếp cận được nguồn viện trợ từ các nhà tài trợ phát triển chính thức, triển khai dự án có quy mô lớn từ 500.000USD đến hơn 2 triệu USD. Trong đó, phần lớn các dự án tập trung vào các lĩnh vực phát triển kinh tế tổng hợp, giảm nghèo bền vững, y tế, giáo dục, giải quyết các vấn đề xã hội, khắc phục hậu quả chiến tranh, cứu trợ và phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học. Các dự án phát triển hầu hết được triển khai ở những khu vực còn nhiều khó khăn, hỗ trợ cho nhóm yếu thế trong xã hội như người có HIV, người khuyết tật, nạn nhân của buôn bán người, bạo lực giới, phụ nữ, trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số.

Có thể nói, nguồn hỗ trợ nói trên không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn giúp chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm, kiến thức cho các tổ chức, cá nhân hưởng lợi và góp một phần giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Thông qua việc huy động nguồn vốn, nguồn nhân lực và kỹ thuật nước ngoài phục vụ phát triển địa phương, các tổ chức đã đồng thời thực hiện nhiệm vụ đối ngoại nhân dân một cách chủ động và tích cực trên chính địa bàn của mình.

Với nhiều kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Liên hiệp Hội Việt Nam tiếp tục quán triệt tinh thần và nội dung của Chỉ thị 04 của Ban bí thư khóa X và văn bản tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị này. Nhiệm vụ bao trùm là vừa chủ động mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước, vừa chú trọng đi vào chiều sâu với các đối tác quan trọng, gồm: các nước láng giềng, các đối tác lớn, các nước bạn bè truyền thống; mở rộng và làm phong phú, đa dạng hóa lĩnh vực hoạt động, loại hình hoạt động đối ngoại nhân dân; đẩy mạnh tuyên truyền đối ngoại, thúc đẩy hợp tác về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại của các đoàn thể và tổ chức nhân dân trong các lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, chống diễn biến hòa bình, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ môi trường hòa bình để xây dựng đất nước, hỗ trợ và phối hợp đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại.

Xây dựng tầm nhìn, chiến lược, năng lực, đổi mới phương thức hoạt động đối ngoại nhân dân của Liên hiệp Hội Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình mới. Trong đó, Liên hiệp Hội Việt Nam phải trở thành tổ chức có đủ năng lực, bản lĩnh, chủ động tham gia triển khai hoạt động ngoại giao khoa học của đất nước. Trí thức nói chung và trí thức là thành viên của Liên hiệp Hội Việt Nam phải chủ động, tích cực đóng góp cho hoạt động đối ngoại nhân dân với vai trò nòng cốt, đưa KH&CN và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành quốc sách hàng đầu nhằm thực hiện mục tiêu đến 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển.

Xây dựng định hướng nhiệm vụ đối ngoại nhân dân của hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị, phù hợp với những ưu tiên và lợi thế quốc gia như ứng phó biến đổi khí hậu, nông nghiệp, khoa học biển,y dược học phương Đông.

Nâng cao năng lực của các tổ chức thành viên các tổ chức trực thuộc (tổ chức KH&CN, tổ chức truyền thông) theo hướng chính quy, hiện đại, tương thích quốc tế; vừa tận dụng và khai thác hiệu quả sự hỗ trợ quốc tế, vừa từng bước chủ động đóng góp và phát huy vai trò trong cộng đồng các tổ chức trí thức KH&CN khu vực và thế giới. Đóng góp tích cực vào công cuộc hoàn thiện thể chế và cơ sở pháp lý cho hoạt đông đối ngoại nhân dân; xây dựng đội ngũ nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

HT

Xem Thêm

Tin mới

84 giải pháp đoạt giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17
Tối 23/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Vifotec) đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Ðoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tổng kết và trao giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 17 (2022-2023).
Bí thư TW Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa: Hoạt động của LHHVN ngày càng đổi mới, ổn định và phát triển
Phát biểu tại buổi làm việc với LHHVN, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã khẳng định những thành quả, nỗ lực của LHHVN trên chặng đường hơn 40 năm hình thành và phát triển, đồng thời nhận định hoạt động của LHHVN có nhiều đổi mới, ổn định, phát triển hơn.