Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 09/09/2014 16:10 (GMT+7)

Niềm tin tất thắng của người cộng sản Lê Hồng Phong

  Đồng chí có tên thật là Lê Huy Doãn, sinh ngày 6/9/1902, trong một gia đình nông dân ở làng Đông Thôn, tổng Thông Lạng, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, (nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An), vùng đất giàu truyền thống văn hiến và cách mạng.

Lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị nô lệ, cuộc sống của nhân dân vô cùng cực khổ bởi ách thống trị, áp bức, bóc lột của chế độ phong kiến, thực dân. Chứng kiến những cuộc khởi nghĩa và phong trào đấu tranh yêu nước của đồng bào ta bị kẻ thù đàn áp đẫm máu, Lê Hồng Phong sớm nuôi trong mình tư tưởng yêu nước và ý chí làm cách mạng cứu nước.

Tận mắt chứng kiến cuộc sống lầm than của những người lao động tại Nhà máy Diêm - Bến Thủy, Lê Hồng Phong đã vận động công nhân đứng lên đấu tranh. Năm 1923, Lê Hồng Phong bí mật sang Thái Lan, rồi sang Quảng Châu (Trung Quốc) tìm con đường làm cách mạng. Tại Quảng Châu, tháng 4/1924, đồng chí cùng với Phạm Hồng Thái gia nhập Tâm Tâm Xã và tham gia hoạt động, phát triển Tâm Tâm Xã thành một tổ chức hạt nhân cách mạng.

Cuối năm 1924, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu, đã thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, mở lớp huấn luyện cán bộ cách mạng. Lê Hồng Phong được dự lớp huấn luyện này, trở thành một trong những cán bộ đầu tiên của cách mạng Việt Nam được trang bị lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin.


Sau đó, theo sự giới thiệu của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tháng 8/1924, đồng chí Lê Hồng Phong được nhận vào học ở trường sĩ quan quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc). Cuối năm 1925, đồng chí vào học tại trường hàng không Quảng Châu. Tại đây, tháng 2/1926, Lê Hồng Phong được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Do có thành tích học tập xuất sắc, tháng 10/1926, đồng chí lại được cử sang Liên Xô theo học tại trường Lý luận quân sự không quân ở Leningrad. Tháng 12/1927, đồng chí tiếp tục học tại trường đào tạo phi công quân sự ở Bôrítxgơlépxcơ. Học chưa xong khoá đào tạo phi công, tháng 10/1928, đồng chí lại được cử đi học ở trường đại học Cộng sản Phương Đông 3 năm, tại đây, đồng chí trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô.

Cuối năm 1931, Lê Hồng Phong từ Liên Xô về Trung Quốc để thực hiện nhiệm vụ liên hệ với các tổ chức cách mạng trong nước, khôi phục phong trào cách mạng, khôi phục Đảng. Tại vùng biên giới Việt - Trung, Lê Hồng Phong đã chắp nối liên lạc được với một số tổ chức đảng, qua đó từng bước gây dựng lại phong trào.

Chương trình hành động của Đảng do Lê Hồng Phong khởi thảo và công bố vào tháng 6/1932, đã chỉ rõ phương hướng đấu tranh cách mạng giai đoạn mới, phân tích những tổn thất, khó khăn của Đảng chỉ là tạm thời, qua đó đẩy lùi tư tưởng hoang mang, dao động, tạo điều kiện khôi phục nhanh chóng hệ thống tổ chức đảng và phong trào quần chúng.

Tháng 3/1934, tại Ma Cao (Trung Quốc), Ban lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài được thành lập, có chức năng như một Ban chấp hành Trung ương lâm thời do đồng chí Lê Hồng Phong làm Bí thư. Trong thời gian chuẩn bị Đại hội lần thứ nhất của Đảng, Lê Hồng Phong được cử dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng đi dự Đại hội lần thứ 7 Quốc tế Cộng sản tại Moskva.


Tại Đại hội, Đảng ta được công nhận là chi bộ chính thức của Quốc tế Cộng sản; đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm ủy viên Ban chấp hành Quốc tế Cộng Sản.

Trước yêu cầu phát triển mới của phong trào cách mạng trong nước, cuối năm 1937, đồng chí về nước hoạt động bí mật tại Sài Gòn. Giữa lúc phong trào đang lên cao thì ngày 22/6/1938, đồng chí bị địch bắt, dùng cực hình tra tấn, sau đó kết án 6 tháng tù giam. Ra tù, chúng buộc đồng chí phải về quê nhà Nghệ An để theo dõi, giám sát.

Tháng 1/1940, Lê Hồng Phong lại bị bắt và đưa vào giam ở Khám Lớn - Sài Gòn. Biết đồng chí là cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, thực dân Pháp đã buộc tội đồng chí “chịu trách nhiệm tinh thần” của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, kết án 5 năm tù giam và 10 năm quản thúc, đày ra Côn Đảo và chỉ thị cho bọn chúa đảo phải tìm mọi cách hãm hại.

Trong những ngày bị biệt giam, kẻ thù luôn tìm cách đánh hành hạ, tra tấn, đánh đập dã man đồng chí Lê Hồng Phong, hòng làm nhụt tinh thần, ý chí của người lãnh đạo cộng sản. Những trận đòn thù tàn ác, liên tục làm Lê Hồng Phong dần dần kiệt sức, đồng chí đã vĩnh biệt anh em vào trưa ngày 6/9/1942.

Trước khi hy sinh, đồng chí Lê Hồng Phong nhắn nhủ với những người bạn tù: “Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng”.

Đồng chí Lê Hồng Phong hy sinh khi mới 40 tuổi đời, trong đó có hơn 20 năm liên tục hoạt động, cống hiến cho Đảng, cho cách mạng. Cho đến giờ phút cuối cùng, đồng chí vẫn tỏ rõ khí phách hiên ngang, ý chí kiên cường, bất khuất. Đồng chí là người chiến sĩ cộng sản tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

Đánh giá về lớp cán bộ tài năng, trung kiên bất khuất thời dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Các đồng chí ta như đồng chí Trần Phú, đồng chí Ngô Gia Tự, đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, đồng chí Hà Huy Tập, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Hoàng Văn Thụ, và trăm nghìn đồng chí khác đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết. Các đồng chí đó đã tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp và của dân tộc. Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay”.

Hơn 70 năm trôi qua kể từ ngày đồng chí Lê Hồng Phong đã anh hũng hy sinh, song hình ảnh, tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí mãi mãi được khắc ghi trong trái tim, tâm hồn của các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.

Xem Thêm

Kỷ niệm 5 năm thành lập báo điện tử Tầm nhìn
Tại Lễ kỷ niệm thay mặt Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, ông Phan Tùng Mậu đã chúc mừng tập thể cán bộ, phóng viên báo điện tử Tầm Nhìn nhân dịp 5 năm thành lập, ghi nhận những thành quả mà...
Chiến thắng vĩ đại mùa Xuân 1975
Chiến dịch lịch sử  Lúc này, tập đoàn phòng ngự lớn của địch ở Sài Gòn - Gia Định tuy số lượng còn đông nhưng đã bị chia cắt, cô lập cao độ và sức chiến đấu đã giảm sút hẳn. 
Vẻ đẹp đặc hiệu của nhà trí thức
Vàng là đẹp, là quý giá. Nhưng không phải vàng nào cũng giá trị như nhau? Có vàng thật, có vàng giả, có cả mạ vàng như thật. Học thức và bằng cấp cũng vậy. Có học thật, có học giả, có bằng thật, có bằng giả như thật. Đại...
Mùa Xuân là Tết trồng cây
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đề xướng, tổ chức, xây dựng Tết trồng cây trở thành một phong trào quần chúng rộng rãi, sôi nổi và bền vững. Tháng 11-1959, nhân đợt thi đua lấy thành tích mừng Đảng ta 30 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Bác Hồ vui Tết đón Xuân trong lòng Tổ quốc
Tết Mậu Tý (1948) Tết mừng chiến thắng Thu Đông năm Đinh Hợi phá tan cuộc tấn công của giặc Pháp lên Việt Bắc và phấn khởi mừng thọ Bác Hồ 58 tuổi: Chính phủ họp nghe Bộ Quốc phòng báo cáo chiến thắng giặc Pháp tại An toàn khu.
Đại tướng Lê Trọng Tấn - Những ngày đầu cách mạng
Giữa năm 1942, tôi đến một cơ sở cách mạng ở làng Lương Yên. Đang nói chuyện thì một quân nhân trong bộ đồ nhà binh Pháp ở phía cổng đi vào. Tôi lánh sang buồng bên cạnh nói chuyện với các em đang học. Khi người ấy về, chủ...

Tin mới