Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 06/09/2019 08:51 (GMT+7)

Sáng chế thành công máy chiết xuất tinh dầu

Ông Huỳnh Ngọc Mừng – Giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH Tinh dầu sả Thành Công (xã Thành Công, huyện Gò Công Tây, Tiền Giang) đã nghiên cứu sáng chế thành công máy chiết xuất tinh dầu dùng cho nông hộ rất tiện ích. Chiếc máy này không chỉ giúp tạo đầu ra ổn định gắn với nâng cao giá trị của nông sản, mà còn góp phần giải quyết tốt vấn đề môi trường, nhất là ở khu vực nông thôn.


Ông Mừng và “Máy chiết xuất tinh dầu dùng cho nông hộ” do ông sáng chế

SÁNG CHẾ BẮT NGUỒN TỪ THỰC TẾ

Ông Mừng cho biết, cách đây gần 10 năm, có dịp đến huyện cù lao Tân Phú Đông, được chứng kiến lá sả được vứt ngổn ngang trên mặt liếp, mặt ruộng hay trong vườn cây ăn trái… sau vụ thu hoạch, ông nảy sinh ý tưởng phải tìm cách khai thác nguồn phế phẩm này nhằm tạo thêm cơ hội về thu nhập, việc làm cho lao động nhàn rỗi, vừa góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn. Ý tưởng là vậy nhưng lúc nào cũng tất bật với công việc tại xưởng cơ khí lại phải kiêm thêm công việc nhận thầu thi công các công trình thủy lợi (nạo vét kênh, ao, xây dựng bờ kè…) nên mãi đến 5 năm sau (2015), ông mới có điều kiện để hiện thực hóa ý tưởng của mình.    

Máy chiết xuất (chưng cất) tinh dầu do ông sáng chế có thể vận hành bán tự động (chỉ cần một người vận hành, theo dõi từ khâu nạp liệu đến khi cho ra thành phẩm) và cấu tạo khá đơn giản, bao gồm: (1) Thiết bị cắt lá sả (sử dụng mô-tơ điện 1 HP); (2) Nồi chưng cất tinh dầu gồm 3 ngăn: Lò đốt (sử dụng điện hoặc than); bồn chứa nước nóng; vỉ chứa nguyên liệu, cửa xả bã và trên cùng là nắp đậy (có ống thông hơi với bộ phận ngưng tụ); (3) Bộ phận ngưng tụ có hình trụ với hệ thống ống chứa nước làm mát bên trong; (4) Thùng thu hồi dầu hình trụ tròn chia làm 2 nửa có đáy thông nhau. Các thiết bị, dụng cụ trên đều làm làm bằng iox, trừ thiết bị cắt lá sả làm bằng chất liệu thép.

Về vận hành, lá sả nguyên liệu sau khi cắt nhuyễn, được cho vào nồi chưng cất (đậy kín nắp) và đun nóng ở nhiệt độ khoảng 100 oC. Hỗn hợp khí sinh ra khi đốt nóng nguyên liệu bằng hơi nước được dẫn qua bộ phận ngưng tụ tạo thành hỗn hợp chất lỏng rồi đến thùng thu hồi tinh dầu. Tại đây, phần tinh dầu nổi lên trên mặt nước (do trọng lượng nhẹ hơn nước) sẽ chảy tràn theo đường ống vào dụng cụ thu hồi (chai, phểu thủy tinh). Muốn có tinh dầu nguyên chất, tinh dầu thô sau khi thu hồi tiếp tục được đun nóng ở nhiệt độ 100 oC trong khoảng thời gian nhất định để loại bỏ hoàn toàn hơi nước.  

Theo ông Mừng, thời gian chưng cất một mẻ tinh dầu mất từ 2-4 giờ tùy theo công suất của máy (200–500 kg nguyên liệu). Khi chưng cất 1 tấn nguyên liệu, lượng tinh dầu thu được trung bình khoảng 3-3,5 lít. Trong quá trình nghiên cứu, trải qua không ít thất bại ông Mừng mới rút ra bài học kinh nghiệm và từng bước hoàn thiện quy trình chưng cất để thu được tinh dầu thành phẩm có chất lượng tốt nhất (màu tươi, trong và không bị sậm màu do nhiệt hay bị vẫn đục do còn lẫn nước); trong đó, việc duy trì nhiệt độ và lượng hơi nước ở mức hợp lý trong suốt quá trình chưng cất theo ông là yếu tố có ý nghĩa quyết định.

Ngoài ra, ông còn tận dụng dung dịch sau khi chiết tách tinh dầu (có vị cai, chát) để thử nghiệm phun xịt xua đuổi sâu bọ, côn trùng trên rau màu (canh tác theo hướng an toàn) và cho gia cầm (gà, vịt) uống để tăng sức đề kháng, phòng, trị bệnh (nhất là bệnh về đường tiêu hóa) đạt kết quả khả quan. Riêng bã sả (thu được sau quá trình chưng cất) được ông tái sử dụng để làm phân hữu cơ hoặc cung ứng cho hộ trồng nấm rơm sử dụng thay thế rơm rạ rất tốt.

Ngoài chưng cất sả, “Máy chiết xuất tinh dầu” do ông Mừng sáng chế có thể sử dụng để chưng cất nhiều loại nông sản khác như: Ngò rí, ngò gai, rau quế, gừng… (chỉ cần thay đổi một vài phụ kiện và thông số kỹ thuật của quy trình chưng cất).

THƯƠNG MẠI HÓA GIẢI PHÁP SÁNG CHẾ

Sau khi sáng chế thành công máy chiết suất tinh dầu đầu tiên, đến nay, ông Mừng đã cho ra đời thêm 3 máy khác; trong đó, ông đã xuất bán 2 máy, 2 máy còn lại được sử dụng cho phân xưởng sản xuất tinh dầu sả đóng chai. Để thương mại hóa giải pháp sáng chế của mình, năm 2018, ông thành lập Công ty TNHH Tinh dầu sả Thành Công và cho ra đời 3 dòng sản phẩm (đóng chai thủy tinh) mang nhãn hiệu Thacosa, gồm: Chai tinh dầu sả dùng để thoa trị các bệnh ngoài da, vết côn trùng đốt; chai tinh dầu sả treo trong xe hơi và chai tinh dầu sả xông phòng có công dụng đuổi muỗi, khử mùi, làm sạch không khí, giảm căng thẳng… Các sản phẩm này được Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) chứng nhận đảm bảo chỉ tiêu chất lượng, hiện không chỉ được tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh, mà còn mở rộng ra một số tỉnh, thành trong cả nước.   

Bà Sử Thị Tuyết Mai (Khoa Da liễu - Trung tâm Y tế huyện Gò Công Tây) nhận xét: “Các sản phẩm tinh dầu sả do doanh nghiệp của ông Mừng sản xuất có tác dụng phòng, chữa bệnh rất tốt, đặc biệt loại dùng để thoa ngoài da có thể điều trị hiệu quả các bệnh viêm da dị ứng, viêm da do côn trùng cắn đốt, mề đay… Tôi đã giới thiệu cho 20 người sử dụng cho kết quả rất khả quan”.  

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông, diện tích đất trồng sả trên địa bàn huyện đạt khoảng 1.500 ha và loại cây trồng này hiện được canh tác quanh năm. Do đó, để khai thác lợi thế về nguồn nguyên liệu tại chỗ khá dồi dào của địa phương, ông Mừng đang có kế hoạch đầu tư phân xưởng sản xuất tinh dầu tại huyện Tân Phú Đông với quy mô 20 máy chưng cất, lượng nguyên liệu tiêu thụ có thể đạt 20 tấn/ngày. Bên cạnh đó, ông còn có ý định cải tiến chiếc máy trên theo hướng gọn, nhẹ nhằm đảm bảo tính cơ động khi thực hiện chưng cất tinh dầu tại vùng trồng nguyên liệu. Khi đó, giữa công ty và nông dân có thể ký hợp đồng liên kết theo phương án nông dân đầu tư máy và được công ty cam kết bao tiêu đầu ra. Bước tiếp theo, công ty sẽ đề nghị địa phương hỗ trợ thành lập tổ hợp tác hoặc hợp tác xã để mở rộng quy mô sản xuất gắn với đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Được biết, giải pháp “Máy chưng cất tinh dầu dùng cho nông hộ” do ông Mừng sáng chế được Ban tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XIII (2018 - 2019) quyết định trao giải Ba.

Tác giả bài viết: Huỳnh Văn Xĩ

Xem Thêm

Những bác sĩ phẫu thuật Việt Nam nổi tiếng thế giới
Việt Nam không chỉ nổi tiếng với văn hóa, ẩm thực mà còn ngày càng chứng minh sự tiến bộ trong lĩnh vực y học và phẫu thuật. Dưới đây là danh sách những bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng của Việt Nam được thế giới ghi nhận.

Tin mới