Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 13/03/2007 16:24 (GMT+7)

Đại học Việt Nam hậu WTO

Mươi năm gần đây và nhất là hiện nay, rộ lên trong các trường đại học, công và tư, những yêu cầu được giao "quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm" nhiều hơn.


Từ diễn đàn Quốc hội, có vị đại biểu cho rằng, chúng ta không thể có một nền giáo dục chất lượng cao nếu "cỗ máy" giáo dục được vận hành theo những quy định rất lạc hậu được ban hành ở những thập kỷ 70 - 80 của thế kỷ trước.


Vậy nên xử lý như thế nào đối với các ý kiến và yêu cầu nói trên để đưa nền đại học nước ta phát triển thuận lợi và nhanh chóng?

Đó là một trong hai vấn đề lớn và bức xúc nhất về đường lối (hay triết lý) giáo dục đại học ở nước ta hiện nay và trong giai đoạn 10 - 15 năm sắp tới. (Vấn đề lớn và bức xúc khác là xử lý mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng trong phát triển nền đại học của ta).

Để giải quyết đúng đắn vấn đề thứ nhất nói trên, một mặt cần phải tìm hiểu kinh nghiệm của một số nước có nền đại học tiên tiến trên thế giới, mặt khác xem xét yêu cầu và khả năng của ta hiện nay.


Trong bài này, tôi tập trung tìm hiểu để kiến nghị những nguyên tắc của một mô hình tự chủ đại học nước ta chứ chưa bàn đến các cách giải quyết những vấn đề cụ thể về tự chủ vì sẽ quá dài.


I. Về phương diện kinh nghiệm của thế giới


Chúng ta xem xét hai trường hợp khá điển hình là nền đại học Hoa Kỳ và Pháp, từ đó có thể dễ hình dung tất cả các kiểu tự chủ về đại học ở các nước khác.


1. Có thể nói các trường đại học của Hoa Kỳ
được hưởng một chế độ tự chủ gần như hoàn toàn, thể hiện ở chỗ gần như không có cơ quan quản lý cấp trên.


Theo hiến pháp của Hoa Kỳ, chính phủ liên bang không có quyền gì về quản lý giáo dục, quyền này hoàn toàn thuộc về các bang và do lịch sử hình thành các trường đại học ở Hoa Kỳ nên các bang để cho các trường đại học thuộc bang mình quyền tự chủ rất rộng.

Rộng đến mức trường công chỉ khác trường tư ở chỗ thu học phí thấp hơn (thường chỉ bằng 1/5 học phí trường tư) và được chính quyền bang đài thọ cho một phần lớn kinh phí (thường vào khoảng trên 2/3 toàn bộ kinh phí của trường).


Do được tự chủ rất rộng như vậy nên qua trên dưới 300 năm phát triển, đã xuất hiện một số trường đại học nổi tiếng vào bậc nhất thế giới.


Nhưng cũng do mỗi trường đại học được hoàn toàn tự chủ làm theo yêu cầu của mình nên nền đại học Hoa Kỳ "không thành một hệ thống gì cả" (như chính nhận xét của một cơ quan nghiên cứu của Hoa Kỳ).


Một thí dụ là, bằng cấp và học vị của các trường đại học không có giá trị quốc gia, nghĩa là Nhà nước Hoa Kỳ không chịu trách nhiệm về giá trị của các học vị đó, nó phụ thuộc vào giá trị của trường đã cấp học vị (cũng vì thế mà từ trước tới nay ở Hoa Kỳ bên cạnh một số trường nổi tiếng, cũng có không ít những trường chất lượng thấp, hay rất thấp, thậm chí những trường dởm, trường bán bằng (bị gọi chế giễu là degrees mill - nhà máy sản xuất học vị).


Vì thế từ đầu thế kỷ 20 tới nay, trong dư luận Hoa Kỳ, xuất hiện một yêu cầu mạnh mẽ muốn tăng tính chất hệ thống của nền đại học, thể hiện trên 2 xu thế sau đây:


Một là hình thành ra nhiều tổ chức phi chính phủ để khuyến khích tính hệ thống nói trên, như các tổ chức để đánh giá và xếp bậc chất lượng các trường, các tổ chức kiểm tra và cho điểm các thí sinh muốn được tuyển vào học đại học hay cao học nhằm cung cấp tư liệu cho các trường đó sử dụng trong tuyển sinh của trường mình.


Các tổ chức liên hợp các trường đại học toàn liên bang hoặc theo từng vùng gồm những bang gần nhau để trao đổi kinh nghiệm và hợp tác với nhau (tất cả các tổ chức nói trên đều là phi chính phủ nên không có tính chất bắt buộc đối với các trường, nhưng nói chung được đa số các trường hưởng ứng, nhất là những trường thuộc loại trung bình đang muốn vươn lên).


Hai là bản thân chính phủ liên bang tuy không được hiến pháp cho có quyền về quản lý giáo dục nhưng cũng nỗ lực phát huy tác dụng của mình thông qua việc nghiên cứu, khuyến cáo và đưa ra các dự án tài trợ đối với các trường đại học trong liên bang.


Để làm được công việc nói trên, chính phủ liên bang đã không ngừng tăng cường và nâng cấp tổ chức cơ quan giáo dục của liên bang, từ cấp phòng khi mới thành lập vào cuối thế kỷ 18, đến cuối thế kỷ 20 đã thành cấp bộ, tuy vẫn không thể là cấp quản lý.


2. Một mô hình khác về tự chủ đại học là mô hình của nước Pháp.


Điểm nổi bật trong mô hình của Pháp với của Hoa Kỳ là vai trò quản lý nhà nước đối với các trường đại học thông qua rất nhiều quy chế, thể lệ, chính sách mà các trường phải tuân theo trên cả 3 mặt: Học vụ, hành chính và tài chính, tuy nhà nước không làm thay cho nhà trường đại học bất cứ một việc gì thuộc một trong 3 mặt nói trên, thí dụ không tổ chức tuyển sinh, không biên soạn và xuất bản sách giáo khoa v.v... (nhà nước nói ở đây cụ thể là Bộ Giáo dục và các bộ có liên quan).


Tự chủ về đại học ở Pháp có thể tóm tắt lại là các trường được quyền tổ chức mọi mặt công việc của mình không trái với các chính sách và quy chế đã có của nhà nước.


Vì vậy nên nền đại học Pháp có tính chất là một hệ thống giáo dục quốc gia rõ ràng: Nước Pháp có khoảng 100 trường đại học và cao đẳng (trên tổng số khoảng 60 triệu dân), tuyệt đại bộ phận là trường công, không có trường chất lượng quá thấp, có 2 hay 3 trường vào loại nổi tiếng trên thế giới.


3. Tất cả các kiểu tự chủ khác về đại học có trên thế giới hiện nay
đều là những kiểu trung gian giữa mô hình tự chủ kiểu Pháp và mô hình tự chủ kiểu Hoa Kỳ. Các kiểu trung gian đó cũng không kiểu nào giống hoàn toàn kiểu nào.


Xin lưu ý, mặc dầu nền đại học Hoa Kỳ hiện nay được đánh giá rất cao chủ yếu vì có nhiều trường nổi tiếng, việc dạy và học rất có hiệu quả nhưng riêng về mô hình tự chủ đại học không có vai trò quản lý của nhà nước thì hình như không có nước nào trên thế giới làm theo.


Ở đây cần nói rõ, tuy vai trò quản lý của Nhà nước Hoa Kỳ đối với đại học không có ở cấp liên bang và rất mờ nhạt ở cấp bang, nhưng không phải vì vậy mà các trường đại học Hoa Kỳ được coi như những doanh nghiệp.


Ngược lại nó tuân thủ nguyên tắc không vụ lợi, xu hướng không nhằm lợi nhuận được khuyến khích và đề cao trong giáo dục ở Hoa Kỳ, với các trường công thì đương nhiên là không nhằm lợi nhuận, ngay cả đối với các trường tư đa số cũng tuân theo nguyên tắc đó, nhất là các trường tư danh tiếng.


II. Từ những phân tích trên, xin nêu ra một số kiến nghị về mô hình tự chủ nên áp dụng ở ta hiện nay và trong thời gian 20 - 30 năm sắp tới


1. Cần xác định rõ ràng tự chủ đại học ở nước ta là kết hợp với sự quản lý của nhà nước, không được phủ nhận hay làm mờ nhạt vai trò quản lý của nhà nước.


Hai mặt đó không mâu thuẫn mà cần bổ sung cho nhau để nhằm một mục tiêu chung duy nhất là xây dựng một nền đại học Việt Nam ứng đáp được tốt nhất yêu cầu hiện nay và lâu dài của đất nước ta.


Không nên nêu ra yêu cầu "bỏ bộ chủ quản" vì khẩu hiệu đó rất mơ hồ. Thế nào là bộ chủ quản? Bộ Giáo dục có phải là bộ chủ quản không?


Phải chăng khẩu hiệu đó là bắt chước máy móc yêu cầu cải tiến quản lý đối với các doanh nghiệp và muốn coi các trường đại học cũng là các doanh nghiệp với mục tiêu duy nhất là làm ăn cho có nhiều lợi nhuận (mà cụ thể là thu được học phí càng cao càng tốt)?

Khi nhà nước thay mặt xã hội giao quyền tự chủ cho trường đại học là giao quyền đó cho một tập thể được gọi là Hội đồng đại diện của trường chứ không phải là giao cho hiệu trưởng (từ xưa tới nay, tất cả các nước đều thực hiện như vậy, chỉ khác nhau ở thành phần của Hội đồng và tên gọi của Hội đồng).


Hiệu trưởng đại học vừa phải tuân thủ các quy chế và chính sách về đại học của nhà nước, vừa phải chấp hành các quyết định của Hội đồng lãnh đạo trường khi Hội đồng đó thực thi quyền tự chủ trong phạm vi được các quy chế và chính sách của nhà nước giao cho.


Gần đây có ý kiến lo rằng sau khi nước ta vào WTO, các trường đại học nước ngoài sẽ được vào nước ta hành nghề với quyền tự chủ rất rộng trong khi các trường đại học của nước ta lại phải bị hạn chế bởi sự quản lý của nhà nước, như vậy ta sẽ bị thua ngay trên sân chơi của ta.


Điều này không đáng lo vì ta biết hầu hết các nước trên thế giới đều xác lập rõ ràng vai trò quản lý của nhà nước đối với nền đại học của họ và mỗi nước một cách nên WTO không thể áp đặt một kiểu tự chủ về đại học thống nhất cho tất cả các thành viên của mình.


Cái mà WTO đòi hỏi là các nước thành viên mở cửa cho các trường thuộc các nước thành viên khác được vào hành nghề như những trường tư và không được phân biệt đối xử giữa trường tư trong nước với trường tư ngoài nước theo kiểu ưu ái trong nước và gây khó khăn đối với ngoài nước, chứ không thể có tình hình các trường nước ngoài vào ta hành nghề mà không tuân thủ luật pháp của nước ta.


2. Trên cơ sở các quan điểm (triết lý) nói trên, về vấn đề tự chủ đại học của ta, tôi xin đề cập vắn tắt hướng giải quyết một số vấn đề cụ thể:


Về tổ chức tuyển sinh: Nên sớm giao cho các tường tự tổ chức theo các chính sách và quy chế của bộ. Cần xác định rõ ràng là tổ chức tuyển sinh nghiêm túc là một khâu không thể thiếu để có chất lượng đào tạo.


Trên thế giới tất cả các trường có danh tiếng đều tuyển sinh rất chặt chẽ, chỉ những trường không tự trọng mà chỉ nhằm mục đúch cao nhất là lợi nhuận mới tuyển sinh xô bồ, thậm chí chỉ cần nộp đủ học phí là được học.


Không đặt vấn đề nên thu nạp tất cả hay đại bộ phận học sinh tốt nghiệp phổ thông vào đại học để "khỏi quá căng thẳng trong tuyển sinh" hay để "đại chúng hóa" đại học!


Các trường Université của Pháp thu nhận tất cả học sinh có bằng tú tài không cần qua thi tuyển, nhưng họ có những lý do lịch sử và cách làm riêng của nước Pháp mà ta không thể bắt chước (trái lại tất cả các trường cao đẳng của Pháp, nhất là các trường cao đẳng dài hạn, đều tổ chức tuyển sinh rất chặt chẽ).


Về chỉ tiêu tuyển sinh: Cần có sự quản lý của nhà nước chứ không thể để các trường tự chủ hoàn toàn. Cần nghiên cứu một cách quản lý mềm dẻo và khoa học, lấy mục tiêu là chất lượng đào tạo và thích nghi với cơ chế thị trường lao động.


Về mức học phí: Cũng cần có sự quản lý của nhà nước và phân biệt giữa trường công và trường tư, giữa trường tư phi lợi nhuận và trường tư có lợi nhuận.


Về tài chính, tổ chức và cán bộ cũng như về học vụ và nghiên cứu khoa học: Nên theo cách nhà nước quản lý như của Pháp, tức là quản lý bằng chính sách và quy chế chứ không chỉ đạo theo kiểu "cầm tay chỉ việc" nhất là kiểu "xin cho", các trường không phải lên bộ thỉnh thị và chờ đợi bộ cho ý kiến.


Nói cách khác, các trường được tự chủ tổ chức mọi công việc, miễn là không trái với chính sách và quy chế đã có, và như vậy trường không phải xin ý kiến và chờ đợi ý kiến gì của bộ cả.


Bộ chỉ làm công việc hậu kiểm để xem các trường có làm trái các chính sách, quy chế đã có không, và nếu có thì yêu cầu trường phải sửa sai hoặc bộ phải nghiên cứu bổ sung hoặc thay đổi chính sách, quy chế nếu cần.


Nguồn: Vật lý ngày nay, 2/2007, tr. 16 - 18

Xem Thêm

Cao Bằng: Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội
Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội có vai trò quan trọng nhằm bổ sung thêm những luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn một cách khách quan, tạo ra sự đồng thuận giữa các cơ quan quản lý, đối tượng quản lý và cộng đồng xã hội, đồng thời tạo ra tính khả thi, hiệu quả khi kết quả tư vấn, phản biện được áp dụng vào thực tiễn đời sống.
Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô phải minh bạch phương án tài chính
Khẳng định đầu tư theo phương thức đối tác công tư(PPP) đối với dự án thành phần 3 đầu tư xây dựng đường cao tốc thuộc DA Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là cần thiết, chuyên gia lưu ý, Nhà nước phải minh bạch phương án tài chính, có phương án tổ chức giao thông rõ ràng, nhất là đối với các phương tiện liên tỉnh bắt buộc phải đi qua Vành đai 4 để bảo đảm quyền lợi nhà đầu tư.
Các nhà khoa học góp ý cho Dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô
Ngày 12/9, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) phối hợp với Tổng hội Xây dựng Việt Nam và Hội Khoa học và kỹ thuật Cầu đường Việt Nam tổ chức Hội thảo "Tác động của việc xây dựng Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội".
Nâng cao hiệu quả công tác tư vấn phản biện của Liên hiệp hội Việt Nam
Thời gian qua Liên hiệp Hội Việt Nam (LHHVN) đã chủ trì tổ chức thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TV, PB &GĐXH) rất sôi nổi. Rất nhiều cuộc toạ đàm, hội thảo đã được tổ chức, các hội thành viên, các tổ chức trực thuộc đã đóng góp được những ý kiến rất phong phú, bổ ích.
Phát huy hiệu quả hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội
Hoạt động TVPB&GĐ XH là hoạt động mang tính xã hội, độc lập, khách quan, do trí thức đóng góp trí tuệ, cung cấp cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn cho Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền làm cơ sở đánh giá, phân tích và quyết định các vấn đề về đường lối, chủ trương, chính sách quan trọng và những chương trình, dự án lớn có liên quan về KH&CN, GD&ĐT và chính sách xây dựng đội ngũ trí thức.
Liên hiệp Hội Sơn La: Đẩy mạnh hoạt động tư vấn phản biện
Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội có vai trò quan trọng nhằm bổ sung thêm những luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn một cách hiện thực, khách quan, tạo ra sự đồng thuận giữa các cơ quan quản lý, đối tượng quản lý và cộng đồng xã hội, tạo ra tính khả thi, hiệu quả khi áp dụng vào thực tiễn đời sống.
Phát triển nhà ở xã hội: Cần bổ sung cụ thể vào Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)
Trong tờ trình về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Xây dựng cho biết, nhiều năm qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tin mới