Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 27/08/2021 21:37 (GMT+7)

Vai trò của trí thức Thanh Hoá trong phát triển kinh tế - xã hội

Đội ngũ trí thức tỉnh Thanh Hoá hiện nay có trên 15 vạn người (trong đó có 28 phó giáo sư, trên 200 tiến sĩ, gần 5.000 nghìn thạc sĩ) trong đó có một bộ phận lớn là những trí thức trong đội ngũ cán bộ hưu trí đang hoạt động trong hệ thống của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Đóng góp và ảnh hưởng của đội ngũ trí thức đối với quá trình xây dựng phát triển của tỉnh là rất quan trọng và to lớn trên các lĩnh vực, cụ thể như: Đã có nhiều đóng góp công sức, trí tuệ trong việc tham gia ý kiến đề xuất về những vấn đề chung, những vấn đề mang tính đặc thù về kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, địa chính trị, lịch sử của địa phương với các bộ, ban, ngành trung ương khi tham mưu, đề xuất hoạch định các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Trong lĩnh vực hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức trí thức KH&CN Thanh Hóa đã có nhiều đóng góp trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nước và thế giới; phản ánh các tấm gương người tốt, việc tốt, những mô hình hoạt động hội thiết thực và hiệu quả đến các hội viên và nhân dân; tuyên truyền, phổ biến nhân rộng các mô hình ứng dụng KH&CN tiên tiến để làm giàu và xóa đói giảm nghèo trong sản xuất nông nghiệp, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi trong tỉnh.

Riêng đối với đội ngũ trí thức trong Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật và các tổ chức hội thành viên trong tỉnh, các hoạt động trên đến nay đã trở thành thường xuyên, ngày càng đa dạng, phong phú bằng nhiều hình thức thích hợp, phối hợp với các đơn vị trong và ngoài tỉnh tăng cường các hoạt động truyền thông phổ biến kiến thức, đã tạo được nguồn tư liệu phục vụ công tác truyền thông, phổ biến kiến thức rất lớn với nhiều nội dung cụ thể, có tác dụng tích cực. Thông qua hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức của đội ngũ trí thức trong tỉnh đã có tác động mạnh mẽ, làm chuyển biến ngày càng rõ nét trong việc nâng cao dân trí, tăng năng suất lao động, năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa, giảm nghèo bền vững, cải thiện chất lượng cuộc sống nhân dân, tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong, giai đoạn 2015 - 2020.

Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, tham gia tư vấn phản biện và giám định xã hội trong những năm gần đây, đội ngũ trí thức KH&CN của tỉnh đã chủ trì thực hiện hàng ngàn nhiệm vụ KH&CN cấp nhà nước, cấp bộ, cấp tỉnh và cấp cơ sở trên hầu hết các lĩnh vực KH&CN, hiệu quả ngày càng cao; năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học – kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân có tiến bộ rất rõ rệt, kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN tốt hơn trước đây, đã đóng góp tích cực vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Chỉ tính riêng trong hệ thống Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hoá, trong 10 năm trở lại đây đã thực hiện gần 400 nhiệm vụ KH&CN, góp phần giải quyết nhiều yêu cầu bức thiết của xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhiều đề tài, dự án có giá trị, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao năng lực cộng đồng, xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Giúp cấp ủy, chính quyền các cấp xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng về KH&CN, giáo dục và đào tạo, phát triển đội ngũ trí thức và một số lĩnh vực kinh tế, xã hội khác.

Trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, đội ngũ trí thức trong tỉnh đã chọn lọc, đưa nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với điều kiện của tỉnh; đưa kỹ thuật canh tác tiên tiến vào sản xuất. Kết quả đóng góp của đội ngũ trí thức trong nhiều năm qua đã làm thay đổi căn bản nền sản xuất nông nghiệp của tỉnh từ sản xuất quy mô nhỏ, năng suất hiệu quả thấp sang sản xuất hàng hóa, phát triển toàn diện với năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hơn rõ rệt, cụ thể như: Đạt kết quả bước đầu trong việc tích tụ và tập trung đất đai; hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghệ cao, theo chuỗi giá trị; một số dự án qui mô lớn được triển khai thực hiện; tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân đạt 3%/năm; cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới được đẩy mạnh; chăn nuôi chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chuyển mạnh sang chăn nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao; tập trung vào phát triển rừng gỗ lớn cung cấp nguyên liệu cho chế biến, tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 53,4%; đã hình thành được vùng nuôi trồng thủy sản cơ bản vững chắc; nâng cao năng lực khai thác, đánh bắt xa bờ; đảm bảo các dịch vụ hậu cần. Những tiến bộ về tổ chức sản xuất nông, lâm, thủy sản đã làm thay đổi căn bản về chất trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống nhân dân, đổi mới bộ mặt nông thôn và là cơ sở quan trọng để đẩy mạnh chuyển dịch sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn, góp phần cùng với các lĩnh vực khác tạo đà quan trọng để nền kinh tế của tỉnh chuyển hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong lĩnh vực công nghiệp, trí thức KH &CN Thanh Hóa đã đề xuất nhiều phương án chuyển đổi mô hình quản lý, dự án đầu tư phát triển công nghiệp – xây dựng; đưa vào áp dụng công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển sản phẩm mới, tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm, góp phần thúc đẩy tăng tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp và thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nhờ những đóng góp nêu trên mà sản xuất công nghiệp của tỉnh đã chuyển sang mô hình sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường, có sự định hướng quản lý của nhà nước với nhiều thành phần kinh tế tham gia.

Trong lĩnh vực văn hóa tập trung làm tốt nhiệm vụ tham mưu đề xuất, tư vấn, phản biện và giám định xã hội, thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa và con người theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tích cực tiếp thu và truyền bá những giá trị văn hóa tiên tiến, xây dựng hình ảnh tốt đẹp về đất và người Thanh Hóa, xây dựng môi trường văn hóa trong xã hội, đấu tranh chống sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, tiêu cực và tệ nạn xã hội; đội ngũ trí thức công tác và có năng lực hiểu biết lĩnh vực này đã có đóng góp rất lớn vào việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc; tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, lịch sử lớn. Di sản vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh được kiểm kê và đưa vào kế hoạch trùng tu, tôn tạo, khôi phục và bảo tồn, phát triển; đề xuất, đầu tư tu bổ nhiều di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng; hoàn thiện nhiều hồ sơ khoa học đề nghị Chính phủ, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận thêm nhiều di sản văn hóa cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt; đề xuất UNESCO công nhận di sản thế giới Thành Nhà Hồ.

Những thành tựu đạt được của tỉnh trong thời gian qua, nhất là trong 5 năm gần đây là công sức của toàn hệ thống chính trị, của nhân dân, trong đó có đóng góp to lớn, quan trọng của đội ngũ trí thức. Nhìn một cách tổng thể, đội ngũ trí thức Thanh Hoá thời gian qua đã có những bước phát triển và đóng góp to lớn trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong đó Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh là một trong những tổ chức giữ vai trò nòng cốt trong việc tập hợp, đoàn kết, động viên, phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức trong tỉnh tích cực tham gia giải quyết các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng lòng yêu nước, trách nhiệm công dân và tính tích cực xã hội đối với cán bộ, hội viên, tạo dựng môi trường đoàn kết trong đội ngũ trí thức KH&CN; tích cực tham mưu, đề xuất với tỉnh những vấn đề lớn về chủ trương, đường lối, chính sách; chủ động đẩy mạnh hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, cung cấp luận cứ khoa học, thực tiễn và dư luận xã hội đối với các chương trình, đề án, dự án lớn trước khi cấp có thẩm quyền quyết định. Đội ngũ trí thức KH&CN đã có nhiều đóng góp trong việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học, công nghệ; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng góp phần xã hội hóa công tác giáo dục - đào tạo, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường, xóa đói, giảm nghèo. Đội ngũ trí thức KH&CN còn là lực lượng quan trọng thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo, áp dụng có hiệu quả những tiến bộ KH&CN vào sản xuất, đời sống cũng như trong việc tổ chức các giải thưởng, hội thi, cuộc thi sáng tạo kỹ thuật; chú trọng tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp về KH&CN.

PV

Xem Thêm

Tin mới