Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 20/09/2021 19:43 (GMT+7)

Phát huy vai trò tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ

Từ năm 2016 đến năm 2020 trong toàn hệ thống Liên hiệp Hội đã chủ động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội VII của Liên hiệp Hội Việt Nam và đạt được những kết quả tích cực. Công tác tập hợp, đoàn kết trí thức được đổi mới, công tác chính trị tư tưởng đối với đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ được quan tâm hơn, góp phần ổn định tình hình chính trị - xã hội trong nước. Số hội thành viên và tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc tăng lên đáng kể, thu hút được trên 3,7 triệu hội viên, trong đó, có khoảng 2,2 triệu trí thức; 15% Liên hiệp hội tỉnh, thành phố có đại diện lãnh đạo chủ chốt tham gia HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016 – 2021. Vị thế, vai trò chính trị - xã hội của Liên hiệp Hội ở Trung ương, địa phương được khẳng định.

Trong giai đoạn tới, nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đảng Đoàn Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức Đảng trong Liên hiệp Hội Việt Nam, các hội thành viên và Liên hiệp Hội địa phương; thúc đẩy việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng đối với đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ và Liên hiệp Hội Việt Nam; củng cố, kiện toàn và phát triển tổ chức, làm tốt công tác hội viên; phát huy vai trò tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ; nâng cao năng lực, đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn, phát huy trí tuệ tham mưu, tư vấn, đề xuất giải pháp với các cơ quan Đảng và Nhà nước những vấn đề lớn trong xã hội, góp phần phát triển đất nước và đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan triển lãm thành tựu khoa học và công nghệ

Vusta.vn xin chia sẻ một số ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng”.

Anh hùng lao động Nguyễn Quang Mâu – Chủ tịch HĐQT Tổ hợp Công ty CP Gốm Đất Việt

Bằng tâm huyết, đam mê, sau gần một thập kỷ, Gốm Đất Việt đã trở thành nhà sản xuất gạch ngói đất sét nung cao cấp số 1 Việt Nam. Và đến nay, thương hiệu Gốm Đất Việt chính thức trở thành đơn vị sản xuất gạch ngói đất sét nung xác lập nhiều kỷ lục nhất Việt Nam, đặc biệt có 2 kỷ lục thế giới: Dây chuyền sản xuất gạch cotto siêu mịn đồng bộ với công nghệ nghiền khô, đùn dẻo, sấy nung nhanh vượt công suất thiết kế lớn; doanh nghiệp khoa học - công nghệ có chất lượng cao, nhiều giải pháp hữu ích nhất trong lĩnh vực sản xuất gạch ngói đất sét nung lò nung tuynel.

Chia sẻ về cơ duyên với Gốm Đất Việt, ông Mâu cho biết, những năm 2007 - 2008, gạch ngói, vật liệu xây dựng bán rất chạy, hàng làm ra không đủ nhu cầu. Thời điểm này, cũng là lúc ông sắp nghỉ chế độ, nhưng với đam mê nghiên cứu đất sét nung, ông đã cùng đồng nghiệp khảo sát khu ruộng đồng bùn lầy ở Tràng An (huyện Đông Triều) với ý định tạo dựng doanh nghiệp sản xuất vật liệu liệu xây dựng. Chỉ một thời gian thai nghén, đầu tháng 1/2010, Công ty Cổ phần Gốm Đất Việt chính thức được thành lập.

Sản phẩm của Gốm Đất Việt khá đa dạng, như: gạch cotto, lát nền, gạch bậc thềm, gạch thẻ, tấm ốp tường… luôn đạt điểm cao nhất về tiêu chuẩn vật liệu xây dựng của Bộ Xây dựng, nhờ được sản xuất bằng nguồn đất sét sạch, giàu hàm lượng ôxít sắt, trữ lượng lớn. Đặc biệt, sản phẩm ngói, với đặc trưng thuần Việt là màu đỏ quýt trầu, âm thanh trong chắc, dùng búa sắt gõ vào sản phẩm âm vang phát ra như gõ vào tấm thép, ngói lợp không phai màu, ấm áp về mùa đông, mát mẻ về mùa hè, chịu va đập mưa đá thời tiết khắc nhiệt. Các sản phẩm của Gốm Đất Việt được đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại nhập ngoại từ châu Âu như Đức, Italia... và các nước có nền công nghiệp phát triển nên chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Đến nay, sản phẩm của Gốm Đất Việt đã hiện diện ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, vượt trùng khơi xuất khẩu trên 51 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, chinh phục cả những thị trường "khó tính" nhất như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Nhiều sản phẩm của doanh nghiệp được sử dụng cho những công trình trọng điểm, như Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, đình và chùa ở Trường Sa, chùa Ngọa Vân, chùa Ba Vàng…

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi - Phó chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS)

Thời gian qua, thực hiện chức năng và nhiệm vụ của Hội, với nhận thức nói trên, Hội Nghề cá Việt Nam đã chú trọng triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thiết thực, kịp thời đối với những ngư dân/cộng đồng ngư dân gánh chịu các rủi ro thiên tai và “nhân tai” khi đánh bắt hải sản trên các ngư trường truyền thống thuộc các vùng biển của nước ta. Hội cũng tham gia tích cực và trách nhiệm đối với các hoạt động phản biện xã hội trong quá trình xây dựng và thực hiện các dự án, các chính sách, chiến lược, luật pháp liên quan tới phát triển thủy sản ở nước ta. Bám sát tình hình hoạt động trên biển của ngư dân, Hội Nghề cá Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các Hội Nghề cá các tỉnh/thành phố ven biển thường xuyên tiếp nhận, thẩm định, phản ánh và kiến nghị các biện pháp lên các cơ quan chức năng, các tổ chức hữu trách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ để xử lý kịp thời các tình huống xấu, các vụ tai nạn gây thiệt hại về người và tàu thuyền của ngư dân ta. Hội Nghề cá Việt Nam cũng bầy tỏ quan điểm phản đối dưới các hình thức khác nhau đối với những hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của nước ta, gây ảnh hưởng xấu đến các hoạt động của ngư dân. Đặc biệt, tiếng nói “hồn cốt” về biển đảo và về ngư dân nước ta đã được đại diện Hội Nghề cá Việt Nam với tư cách là đại biểu Quốc hội, chuyển tải và phản ánh ngay tại diễn đàn Quốc hội nước ta; thậm chí cả trong hoạt động tuyên truyền đối ngoại, v.v..

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi - Phó chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS)

Ngoài ra, kết hợp với các Hội thủy sản của các tỉnh/ thành phố, Hội Nghề cá Việt Nam rất chú trọng hoạt động nâng cao nhận thức cho cộng đồng ngư dân, trang bị kỹ năng quản lý cho cán bộ quản lý nghề cá cấp cơ sở; hỗ trợ pháp luật, chuyển giao công nghệ mới và tiên tiến; triển khai áp dụng các mô hình khai thác, nuôi trồng thủy sản bền vững; các mô hình quản lý nghề cá mới, như: quản lý theo chuỗi giá trị, quản lý tổng hợp nghề cá dựa vào hệ sinh thái và đồng quản lý nguồn lợi thủy sản mà về bản chất là “Nhà nước và Nhân dân cùng làm, cùng hưởng”.

Thời gian tới, bên cạnh tiếp tục phát huy các kết quả đạt được và thúc đẩy các hoạt động nói trên, Hội Nghề cá Việt Nam sẽ chú trọng đến tăng cường vị thế, uy tín và đóng góp của Hội đối với đất nước, ngành thủy sản và ngư dân thông qua đẩy mạnh hoạt động kinh tế và truyền thông. Tiếp tục chủ động đóng góp các sáng kiến và ý kiến tư vấn về các biện pháp để quản lý theo chuỗi trên cơ sở áp dụng “chuyển đổi số” trong các hoạt động: sản xuất và bảo quản sản phẩm thủy sản, chế biến và xuất khẩu thủy sản, quản lý nghề cá và kiểm soát các hoạt động tàu thuyền đánh cá trên biển,...Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình Biển Đông vẫn “yên mà không ổn”, tiếp tục phức tạp và khó lường; luật lệ trên biển của các nước láng giềng có chiều hướng tăng nặng mức chế tài đối với hoạt động của ngư dân trên biển, trong đó có ngư dân Việt Nam,... Bên cạnh đó, thực tế nghề cá vừa qua cũng đặt ra nhu cầu phải nhanh chóng xây dựng và phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm ở nước ta; gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng, an ninh thực phẩm và nguồn sinh kế bền vững cho ngư dân ven biển và trên các đảo.

Ông Lê Quang Thích - Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Quảng Ngãi

Để phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ông Thích đã có một số kiến nghị như:

Tiếp tục triển khai tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 06-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong đó tập trung các nhiệm vụ và giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đó là hoàn thiện môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức bằng việc ban hành quy chế dân chủ, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách trong hoạt động khoa học và công nghệ; Thực hiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức nhằm tập hợp, đoàn kết rộng rãi và phát huy tí tuệ của đội ngũ trí thức Việt Nam ở trong nước và nước ngoài tham gia xây dựng đất nước; Tạo chuyển biến căn bản trong đào tạo, bồi dưỡng trí thức; Ðề cao trách nhiệm của trí thức, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động các hội của trí thức, trong đó có tổ chức Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo của Ðảng đối với đội ngũ trí thức.

Vấn đề cơ bản là phải xây dựng đội ngũ trí thức vừa hồng vừa chuyên, cả về đức - trí - thể - mỹ đáp ứng cả về số lượng và chất lượng. Chất lượng ở đây là sự bao gồm trình độ học vấn chuyên môn, năng lực lao động sáng tạo và sự chín muồi về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức cách mạng. Muốn vậy phải tiếp tục đổi mới công tác giáo dục - đào tạo, công tác khoa học và công nghệ và làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để trí thức có kiến thức hiểu biết về chuyên môn và nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng.

Có chính sách tạo động lực vật chất và động lực tinh thần để phát huy tiềm năng trí thức. Điều này liên quan đến chính sách tiền lương, thu nhập, tiền thưởng, phụ cấp, trả công hợp lý theo năng lực và hiệu quả sáng tạo của trí thức cùng với sự khơi dậy trong tâm người trí thức lòng yêu nước, yêu thương đồng bào một cách mãnh liệt, ý thức trách nhiệm đối với vận mệnh của đất nước, tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc, tính tích cực chính trị - xã hội với niềm tự hào và khát vọng sáng tạo cống hiến cho Tổ quốc.

Có chủ trương và cơ chế, chính sách để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao là người Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc ở nước ngoài tham gia xây dựng đất nước. Có khoảng nửa triệu trí thức Việt kiều (trong đó trên 6.000 tiến sĩ với nhiều nhà khoa học giỏi nổi tiếng) trên tổng số hơn bốn triệu người Việt Nam đang sinh sống ở gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo thống kê chưa đầy đủ có khoảng 15.000 trí thức Việt kiều tại Hoa Kỳ, 40.000 trí thức tại Pháp, 20.000 trí thức tại Ca-na-đa, 4.000 trí thức tại Đông Âu và Liên bang Nga, 7.000 trí thức tại Ô-xtrây-li-a... Đây là nguồn nhân lực quan trọng quý giá, rất cần được tập hợp, phát huy và tạo điều kiện để họ góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

PV

Xem Thêm

Tin mới