Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 22/12/2020 00:14 (GMT+7)

Một số kết quả hoạt động hợp tác quốc tế của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhiệm kỳ VII (2015 - 2020)

Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về đối ngoại nhân dân trong tình hình mới, thực hiện Nghị quyết của Đại hội lần thứ VII của Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam (VUSTA), trong hơn 5 năm qua VUSTA đã tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ đối ngoại và hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực. Với thế mạnh linh hoạt, chủ động, sáng tạo của khối các hội và tổ chức KH&CN ngoài công lập, hoạt động đối ngoại của các tổ chức thuộc VUSTA không chỉ góp phần thực hiện trách nhiệm chính trị của toàn hệ thống mà còn giúp huy động các nguồn lực quốc tế cho phát triển đất nước, phát triển tổ chức, tăng cường năng lực cán bộ, từ đó nâng cao hiệu quả và thực chất của hoạt động chuyên môn của VUSTA.

VUSTA và các tổ chức thành viên, trực thuộc đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị đối ngoại, đảm nhận vai trò thành viên có trách nhiệm và đóng góp thiết thực trong các hoạt động đối ngoại nhân dân của Việt Nam và các cơ chế đa phương trong khu vực và quốc tế.

Cơ quan VUSTA tiếp tục duy trì, kế thừa và phát triển các mối quan hệ với các tổ chức quốc tế: Là thành viên của Liên đoàn các tổ chức kỹ sư ASEAN (AFEO), Hội đồng khoa học thế giới (ISC), Liên đoàn kỹ sư Châu Á-Thái Bình Dương (FEIAP); quan hệ đối tác với nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài, cơ quan hợp tác phát triển, tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam [1]và nhiều tổ chức KH&CN của các nước [2], triển khai nhiều hoạt động lớn, mang tầm quốc gia, có sự lan tỏa tới các tổ chức trong hệ thống.

Với vai trò là thành viên của AFEO, VUSTA đã 3 lần đăng cai tổ chức thành công hội nghị CAFEO lần thứ 18 (năm 2010), CAFEO 28 (năm 2010) và CAFEO 38 năm 2020. Đặc biệt năm 2020, VUSTA đã chủ trì đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Liên đoàn các tổ chức kỹ sư ASEAN lần thứ 38 (CAFEO38) theo hình thức trực tuyến với đại biểu quốc tế và trực tiếp tại Hà Nội từ ngày 18-26/11/2020. Hội nghị đã thu hút sự tham gia của hơn 1000 đại biểu quốc tế từ 18 quốc gia và vùng lãnh thổ, và hơn 350 đại biểu tại Việt Nam, với chuỗi 25 hoạt động gồm 6 phiên họp toàn thể, 6 hội thảo khoa học và 13 cuộc họp nhóm kỹ thuật. Hội nghị đã ra Tuyên bố Hà Nội thể hiện cam kết và thống nhất của cộng đồng kỹ sư, kỹ thuật ASEAN trong xây dựng cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng. CAFEO38 đã được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đánh giá là hoạt động góp phần tích cực cho thành công năm chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, được bạn bè quốc tế và các hội thành viên đánh giá cao.

Cơ quan VUSTA đã huy động các tổ chức trực thuộc tham gia đóng góp cho tiến trình bảo vệ Báo cáo Kiểm điểm định kỳ về Nhân quyền của Việt Nam tại Liên hợp quốc (UPR chu kỳ III) năm 2018. Kết quả là đã có 14 tổ chức KH&CN trực thuộc đệ trình thành công báo cáo lên Ủy ban Nhân Quyền của Liên Hợp Quốc, chiếm gần 50% số lượng báo cáo và đã được BộNgoại giao Việt Nam đánh giá cao về sự chủ động, phối hợp chặt chẽ và có trách nhiệm của VUSTA đối với tiến trình này.

Cơ quan VUSTA đã tích cực tham gia góp ý, xây dựng trong tiến trình quốc gia thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững (PTBV), cụ thể là tham gia xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về PTBV, Báo cáo Rà soát Tự nguyện Quốc gia về thực hiện các mục tiêu PTBV của Việt Nam đệ trình Liên hợp quốc năm 2018 (VNR 2018), với việc 4 dự án điển hình thành công của các tổ chức KH&CN trực thuộc VUSTA đã được đưa vào báo cáo VNR. Đồng thời Cơ quan VUSTA đã tích cực xây dựng báo cáo PTBV của VUSTA giai đoạn 2016-2020, góp phần quảng bá về vai trò của các tổ chức trong hệ thống VUSTA đối với PTBV và đóng góp tư liệu vào báo cáo Quốc gia về PTBV của Chính phủ.

Các hội KH&KT ngành toàn quốc thành viên của VUSTA hầu hết đều là thành viên của các tổ chức chuyên ngành của khu vực (ASEAN, Châu Á – Thái Bình Dương) và toàn cầu. Trong 5 năm qua, các hội đã tích cực tham gia và đăng cai tổ chức nhiều diễn đàn, hội nghị khoa học quốc tế có uy tín góp phần tăng cường trao đổi học thuật, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế về KH&CN giữa các nhà khoa học trong nước với quốc tế. Có thể kể tới các hội nghị thường niên do các hội ngành toàn quốc đăng cai như: Hội nghị quốc tế về Biển Đông (Hội Luật gia) Hội nghị Vật Lý quốc tế (Hội Vật Lý); Hội nghị quốc tế Đúc – Luyện kim (Hội Đúc – Luyện kim); Hội nghị quốc tế Cơ học Địa vật lý (Hội Cơ học); Tuần lễ khoa học quốc tế về trắc địa-bản đồ “FIG Working Week 2019” (Hội trắc địa, Bản đồ Viễn thám Việt Nam), Hội nghị quốc tế về công nghệ và sức khỏe toàn cầu, Diễn đàn Nobel Y học (Gin Nobel 2019) (Viện Y học Đinh Tiên Hoàng). Việc các hội ngành toàn quốc đăng cai các sự kiện khoa học lớn với sự tham gia của hàng nghìn nhà khoa học hàng đầu trên toàn thế giới về với Việt Nam, vừa góp phần tăng cường hợp tác về khoa học, vừa là cơ hội để tranh thủ vận động sự ủng hộ của cộng đồng khoa học quốc tế đối với các chính sách của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt là vấn đề quyền chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trên biển.

Đối với các liên hiệp các hội KH&KT tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, mặc dù còn nhiều khó khăn về điều kiện làm việc và lực lượng nhân sự làm đối ngoại, nhiều liên hiệp hội đã tích cực triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế và đạt được nhiều kết quả, như liên hiệp hội các tỉnh/thành: An Giang, Bình Định, Bà Rịa- Vũng Tàu, Cao Bằng, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Phú Thọ, Thanh Hóa, Tiền Giang, Sơn La, Vĩnh Long…

VUSTA và các tổ chức thành viên và trực thuộc đã tích cực đóng góp cho công tác hợp tác phát triển và hội nhập của đất nước, thông qua việc vận động, huy động nguồn lực và hợp tác với các đối tác quốc tế và trong nước.

Hợp tác phát triển là thế mạnh truyền thống trong hoạt động hợp tác quốc tế và đối ngoại nhân dân của VUSTA và các tổ chức KH&CN trực thuộc. Trong giai đoạn 2015-2020, trong bối cảnh các nguồn viện trợ nước ngoài cắt giảm mạnh, các tổ chức KH&CN trực thuộc VUSTA vẫn nỗ lực vận động và duy trì được mức viện trợ trên 10 triệu USD mỗi năm, với 540 dự án với tổng giá trị viện trợ xấp xỉ 101,8 triệu USD trong 5 năm. Nhiều tổ chức KH&CN trực thuộc đã tiếp cận được nguồn viện trợ từ các nhà tài trợ phát triển chính thức, triển khai dự án có quy mô lớn (trên 500.000USD đến hơn 2 triệu USD) [3]. Trong đó, phần lớn các dự án tập trung vào các lĩnh vực phát triển kinh tế tổng hợp, giảm nghèo bền vững, y tế, giáo dục, giải quyết các vấn đề xã hội, khắc phục hậu quả chiến tranh, cứu trợ và phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học. Các dự án phát triển hầu hết được triển khai ở những khu vực còn nhiều khó khăn, hỗ trợ cho nhóm yếu thế trong xã hội như người có HIV, người khuyết tật, nạn nhân của buôn bán người, bạo lực giới. Có thể nói, nguồn hỗ trợ nói trên không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn giúp chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm, kiến thức cho các tổ chức, cá nhân hưởng lợi và góp một phần giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu PTBV mà Chính phủ đã đề ra trong Kế hoạch hành động 2030. Bên cạnh đó, thông qua việc huy động nguồn vốn, nguồn nhân lực và kỹ thuật nước ngoài phục vụ phát triển địa phương, các tổ chức đã đồng thời thực hiện nhiệm vụ đối ngoại nhân dân một cách chủ động và tích cực trên chính lãnh thổ của mình.

Tại Cơ quan VUSTA các dự án hợp tác quốc tế do Cơ quan VUSTA chủ trì vận động và thực hiện trong 5 năm qua chủ yếu nhằm phục vụ chức năng của VUSTA. Cụ thể có thể kể đến các dự án sau:

(1) Quỹ Rosa Luxemburg Stiftung của CHLB Đức hỗ trợ VUSTA triển khai xây dựng tài liệu giảng dạy và tổ chức các khóa tập huấn nâng cao năng lực TVPB&GĐXH cho các liên hiệp hội địa phương (2013-2017),

(2) Dự án hợp tác với Tập đoàn Microsoft tại Việt Nam cung cấp phần mềm bản quyền miễn phí của Microsoft cho Cơ quan Trung ương và các một số hội thành viên (2017-2018);

(3) Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) và Quỹ Khí hậu Châu Âu (ECF) hỗ trợ nâng cao năng lực điều phối của VUSTA trong lĩnh vực môi trường và biến đổi khí hậu, hình thành Liên minh Môi trường và BĐKH của VUSTA - VECCA (2018-2020), theo đó, chuỗi các hội nghị, tọa đàm đối thoại chính sách cấp cao được khởi xướng từ sáng kiến VECCA như Diễn đàn Mekong quốc gia, Đối thoại chính sách về bảo vệ nguồn nước & quản lý rác thải nhựa đại dương, Hội nghị đóng góp ý kiến cho chiến lược và kế hoạch phát triển Kinh tế biển; và Chương trình Sáng kiến Năng lượng Bền vững – cuộc thi tìm kiếm ý tưởng dành cho sinh viên ngành kỹ thuật về các giải pháp năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả;

(4) Cơ quan Viện trợ Ai-len và một số tổ chức phi chính phủ nước ngoài hỗ trợ VUSTA xây dựng Báo cáo PTBV và tham gia đóng góp cho Báo cáo PTBV quốc gia.

(5) Tổ chức Bánh Mỳ cho Thế giới, Care Quốc tế tại Việt Nam và một số tổ chức phi chính phủ nước ngoài hỗ trợ xây dựng sổ tay hướng dẫn triển khai hoạt động hợp tác quốc tế và các khóa tập huấn dành cho các tổ chức KH&CN trực thuộc.

(6) Dự án do Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS tài trợ triển khai trên 15 tỉnh/thành phố, kéo dài từ 2008-2020, và dự kiến tiếp tục đến năm 2023 góp phần phát huy sự tham gia của các tổ chức KH&CN ngoài công lập trực thuộc VUSTA trong lĩnh vực y tế công cộng, các tổ chức cộng đồng trong công cuộc xóa bỏ đại dịch HIV/AIDS tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, hoạt động hợp tác quốc tế của VUSTA thời gian qua còn huy động sự tham gia của các cơ quan trong nước, các nhà khoa học, viện nghiên cứu và các trường đại học tham gia thảo luận và đóng góp kiến nghị đối với các vấn đề lớn liên quan đến PTBV và hội nhập quốc tế, góp phần triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết quan trọng của Trung ương, của Quốc hội và Chính phủ (Nghị quyết số 36 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược PTBV Kinh tế Biển đến năm 2020, tầm nhìn 2045, Nghị quyết số 120 năm 2018 của Chính phủ về PTBV Đồng bằng Sông Cửu Long, và Nghị quyết số 88 của Quốc hội XIV về ban hành kế hoạch tổng thể đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030), góp phần tham gia đóng góp ý kiến cho Chiến lược phát triển Kinh tê – xã hội giai đoạn 2021-2030 của đất nước. Qua việc tổ chức các Diễn đàn thường niên như: Diễn đàn PTBV Đồng bằng Sông Cửu Long, Diễn đàn KH&CN Biển, Diễn đàn “Hướng tới một chiến lược PTBV đất nước trong bối cảnh trạng thái bình thường mới và biến đổi khí hậu toàn cầu”, VUSTA đã tập hợp ý kiến các nhà khoa học và chuyên gia, gửi tới các cơ quan có thẩm quyền và đã được các cơ quan ghi nhận, đánh giá cao về tinh thần trách nhiệm của đội ngũ trí thức đối với các vấn đề lớn của đất nước.

Cũng từ năm 2015, VUSTA đã khởi xướng và duy trì tổ chức sự kiện thường niên “Gặp gỡ vì Hợp tác và Phát triển” với mục tiêu ghi nhận và đánh giá kết quả hoạt động hợp tác quốc tế của các tổ chức thành viên và trực thuộc; tăng cường sự hiểu biết và hợp tác giữa các bên liên quan và thảo luận về những vấn đề và giải pháp nhằm phát huy vai trò và tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các tổ chức hội, tổ chức KH&CN ngoài công lập.

VUSTA đã tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm kết nối trí thức khoa học người Việt Nam ở nước ngoài với các nhà khoa học trong nước, thông qua tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo và tiếp xúc với cộng đồng trí thức KH&CN người Việt Nam ở nước ngoài.

VUSTA đã tổ chức triển khai nhiều hoạt động thiết thực đã thu hút được sự tham gia đóng góp trí tuệ và kinh nghiệm của đội ngũ trí thức KH&CN người Việt Nam ở nước ngoài, tạo môi trường để trí thức chia sẻ những kinh nghiệp quý báu và đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Một số liên hiệp hội địa phương cũng có những đóng góp tích cực trong hoạt động này, điển hình là Liên hiệp các hội KH&KT tỉnh Bình Định đã có hợp tác gắn bó và hỗ trợ từ nhiều năm nay với GS. Trần Thanh Vân trong xây dựng và phát triển Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục và Khoa học Liên ngành (ICSE) và Trung tâm Khám phá khoa học đặt tại Quy Nhơn. Liên hiệp các Hội KH&KT Tp. Hồ Chí Minh mời nhiều trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia các hoạt động nghiên cứu, tư vấn phản biện chính sách, đề án lớn của thành phố.

Năm 2016 VUSTA đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao thực hiện các hoạt động nhằm thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho hoạt động KH&CN, giáo dục và đào tạo ở Việt Nam. Trong các chuyến công tác nước ngoài của VUSTA, lãnh đạo VUSTA luôn quan tâm đến việc gặp gỡ và kết nối các cá nhân, các tổ chức đầu mối của trí thức KH&CN người Việt Nam sinh sống và làm việc tại nước sở tại, thông qua đại sứ quán Việt Nam tại các nước và qua kết nối của các trí thức trong nước.

Lãnh đạo VUSTA đã tổ chức gặp mặt nhóm cựu sinh viên chương trình học bổng Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) của Hoa Kỳ, trao đổi với chương trình Sakura Science của Cơ quan KH&CN Nhật Bản (JST) trao đổi với nhóm Cựu lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản (2020), qua đó tìm hiểu nhu cầu của trí thức người Việt Nam tại Nhật Bản và giới thiệu các cơ hội hợp tác với các tổ chức trong nước. Bên cạnh đó, VUSTA tiếp tục tăng cường hoạt động hợp tác với đối tác Nhật Bản tổ chức sự kiện Gặp gỡ Doanh nghiệp và Tài năng toàn cầu thường niên, nhằm kết nối doanh nghiệp Nhật Bản với các trường đại học và sinh viên Việt Nam có nguyện vọng tu nghiệp tại Nhật Bản.

Công tácnghiên cứu, đề xuất, tham mưu được quan tâm đúng mức.

Lãnh đạo VUSTA đặc biệt quan tâm và tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ làm đối ngoại của Cơ quan VUSTA được triển khai các hoạt động nghiên cứu, tham gia thực hiện các nhiệm vụ lớn, quan trọng của hệ thống. Trước tiên, đó là việc chủ động đề xuất nghiên cứu các nội dung thuộc về chức năng, nhiệm vụ của hợp tác quốc tế của VUSTA và các nội dung về hội nhập quốc tế, hợp tác phát triển. Trong giai đoạn 5 năm qua, VUSTA đã triển khai đánh giá hiệu quả các dự án viện trợ do các tổ chức KH&CN trực thuộc thực hiện; đề xuất chủ đề, lĩnh vực trọng tâm của Hội nghị Liên đoàn Kỹ sư ASEAN (CAFEO 38). Ngoài ra, với chức năng là cơ quan đầu mối quản lý hoạt động đối ngoại của các tổ chức trong hệ thống, VUSTA đã tham gia đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện và đề xuất sửa đổi cho một số chính sách liên quan đến công tác đối ngoại nhân dân (sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TW, sơ kết việc triển khai Quyết định số 272 và góp ý cho dự thảo nghị định thay thế Nghị định 93 về quản lý và sử dụng nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài và các văn bản khác liên quan đến công tác viện trợ).

Thứ hai, đó là việc tham gia nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế phục vụ các nhiệm vụ chuyên môn của VUSTA, cụ thể như nhiệm vụ đề xuất dự án Luật hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp của Việt Nam trình Quốc hội, nghiên cứu xây dựng dự thảo Luật Phổ biến kiến thức, nghiên cứu xây dựng sổ tay và chương trình đào tạo nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện của các Liên hiệp hội địa phương; tham gia nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về quản lý hội và tổ chức phi chính phủ, phục vụ thực hiện đề tài Cấp Nhà nước về hoàn thiện quản lý Nhà nước về hội và tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam.

Công tác hỗ trợ, quản lý và hướng dẫn hoạt động hợp tác quốc tếđối với hội thành viên và tổ chức KH&CN trực thuộc ngày càng chuyên nghiệp

Giai đoạn 2015-2020 nhiều văn bản trong lĩnh vực quản lý hoạt động đối ngoại được sửa đổi hoặc ban hành mới, trong khi đó số lượng và tính chất hoạt động của các tổ chức KH&CN thuộc VUSTA ngày càng gia tăng. Với lực lượng cán bộ của bộ phân chuyên trách chỉ có 4 người, VUSTA đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương trong việc thẩm định, phê duyệt, kiểm tra, giám sát hoạt động tiếp nhận, sử dụng viện trợ và tiếp nhận người nước ngoài vào làm việc của các tổ chức trực thuộc, bảo đảm đúng quy định của Đảng và Nhà nước góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực đến tình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Bên cạnh việc kịp thời hướng dẫn thực hiện các văn bản mới và cập nhật Sổ tay Hướng dẫn thực hiện hoạt động Đối ngoại, VUSTA còn thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn, hướng dẫn và đối thoại với các tổ chức nhằm giúp các tổ chức thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước và của VUSTA.

Có thể nói, hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của VUSTA không chỉ góp phần thực hiện trách nhiệm chính trị của tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam trong việc triển khai đường lối đối ngoại nhân dân, tham gia đấu tranh, vận động bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc, vì hòa bình và hợp tác trong khu vực, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế quốc gia, mà còn giúp huy động các nguồn lực quốc tế cho phát triển đất nước, phát triển nền KH&CN, đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao, và tăng cường năng lực cán bộ và chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu, từ đó nâng cao hiệu quả và thực chất của hoạt động chuyên môn của tổ chức.

Giai đoạn sắp tới, 2021-2025 là giai đoạn đầy thách thức với các vấn đề do đại dịch Covid-19 gây ra. Bối cảnh “trạng thái bình thường mới” đó đặt ra yêu cầu phải nhanh chóng thay đổi phương thức làm việc, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số ở mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, và VUSTA không thể đứng ngoài xu thế đó. VUSTA cần phải trở thành một thành tố quan trọng, tích cực và chủ động tham gia quá trình này, đó là việc thúc đẩy áp dụng công nghệ số trong toàn bộ hoạt động của hệ thống, đổi mới cách thức triển khai các hoạt động trong thời gian tới.

Một số hình ảnh hoạt động đối ngoại tiêu biểu của Cơ quan VUSTA nhiệm kỳ 2015-2020

Nguyên Thủ tướng Nhật Bản, Ngài Hatoyama Yukio và Phu nhân tiếp Đoàn công tác của VUSTA thăm và làm việc tại Nhật bản năm 2016

Phó Chủ tịch Nghiêm Vũ Khải trao thư ghi nhận của VUSTA cho Trưởng đại diện Quỹ Rosa Luxemburg Stiftung tại Hội thảo tổng kết hoạt động giữa Quỹ và VUSTA giai đoạn 2015-2017

Chuỗi sự kiện thường niên Gặp gỡ vì Hợp tác và Phát triển

Nguyên Thủ tướng Nhật Bản Hatoyama Yukio thăm và làm việc với VUSTA

VUSTA tổ chức thành công Hội nghị CAFEO38 Hội nghị thường niên lần thứ 38 của Liên đoàn Kỹ sư ASEAN, hội nghị trực tuyến đầu tiên của tại Hà Nội

ThS. Dương Thị Nga

Ủy viên Hội đồng Trung ương, Trưởng Ban Hợp tác Quốc tế, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam

Xem Thêm

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.
Góp ý dự thảo các đề cương báo cáo của Tiểu ban Điều lệ Đảng Đại hội XIV
Chiều ngày 28/3 tại Hà Nội, Đảng đoàn phối hợp với Đảng ủy Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Đề cương Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Điều lệ Đảng (2011 - 2025), Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIII.
Đồng Tháp: Tổ chức hội nghị về Trí tuệ nhân tạo AI
Ngày 27/3, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Tháp (Liên hiệp hội) đã phối hợp với Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị “Trí tuệ nhân tạo (AI): Xu hướng phát triển và những gợi mở cho đội ngũ trí thức hiện nay”.

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.
Chương trình hành động thực hiện nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Theo chương trình hành động số 287-CTr/ĐĐLHHVN, ngày 28/03/2024; thực hiện nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII "Về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới".
Góp ý dự thảo các đề cương báo cáo của Tiểu ban Điều lệ Đảng Đại hội XIV
Chiều ngày 28/3 tại Hà Nội, Đảng đoàn phối hợp với Đảng ủy Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Đề cương Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Điều lệ Đảng (2011 - 2025), Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIII.